Kỳ vọng làn sóng cải cách lần thứ 3, phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay
Thông tin tại cuộc họp báo về Nghị quyết 68 tổ chức chiều ngày 30/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, việc ban hành Nghị quyết thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng thông qua cải cách
Từ năm 2007 tới nay, chúng ta đã chứng kiến 2 làn sóng cải cách các quy định, thủ tục. Làn sóng thứ nhất diễn ra trong giai đoạn 2007-2010, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 TTHC (cắt giảm 37,31% TTHC tương ứng với khoảng gần 30.000 tỉ đồng/năm). Sau những thành công đó, tinh thần cải cách vẫn được tiếp nối với nhiều chương trình cắt giảm quy định hàng năm.
Làn sóng thứ 2 trong giai đoạn 2016-2020, theo đó 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỉ đồng, các Bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đó, cũng phải nhìn nhận thực tế là trong các văn bản pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quy định bất cập, đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; việc cải cách một số nơi vẫn còn hình thức, thậm chí có tình trạng cắt bỏ quy định này lại mọc ra quy định khác gây khó khăn hơn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện TTHC chủ yếu vẫn bằng phương thức thủ công.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Nghị quyết 68 được ban hành nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2020-2025. Đây là Chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Từ kinh nghiệm cải cách của các nước thuộc khối OECD và thực tiễn cải cách của nước ta thời gian qua, có thể thấy chúng ta còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng thông qua việc cải cách”, Người phát ngôn của Chính phủ khẳng định.
Chuyên gia Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho hay, chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể là trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.
“Mục tiêu là 20% quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cho thấy nội hàm rộng hơn rất nhiều so với các đợt cải cách trước đây chủ yếu xoay quanh điều kiện kinh doanh hay kiểm tra chuyên ngành”, vị này nhấn mạnh.
Cách làm mới tạo hiệu quả mới
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, ngay trong nhiệm kỳ Chính phủ hiện tại đã có 3 đợt sóng cải cách.
Đợt sóng cải cách đầu tiên vào năm 2016, xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, với yêu cầu điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong Luật và Nghị định, Chính phủ đã thành công trong việc khai tử hàng nghìn giấy phép con trong các thông tư, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Đợt sóng thứ hai là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành với tinh thần rất quyết liệt.
Và hiện nay là đợt sóng thứ ba, với Nghị quyết số 68 đặt mục tiêu cắt giảm 20% các quy định về kinh doanh trong 5 năm tới. Nghị quyết này cũng gắn với một chương trình rất lớn là rà soát, xóa bỏ những chồng chéo, xung đột, bất hợp lý trong các quy định về kinh doanh.
“Một nhiệm kỳ với ba đợt sóng, Chính phủ đã thành công với việc thúc đẩy cải cách thể chế, với cách thức thực hiện bài bản hơn. Đây cũng là nhiệm kỳ Chính phủ đầu tiên đặt mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp và chương trình nghị sự cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 quyết liệt hơn”, ông Lộc chia sẻ.
Chủ tịch VCCI đánh giá, Nghị quyết 68 có nhiều điểm mới, không chỉ đề cập đến điều kiện kinh doanh hay TTHC mà là toàn bộ các quy định về kinh doanh. Ông chỉ ra thực tế là một bản phụ lục hay biểu mẫu trong thông tư cũng có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Điểm thứ hai, tinh thần của Nghị quyết là giảm bớt tối đa các văn bản, hạn chế tối đa tình trạng một thông tư có thể ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp. Thứ ba, cách làm một văn bản sửa nhiều văn bản có thể giúp sửa đổi các quy định một cách nhanh chóng hơn. Cùng với đó, rà soát không chỉ các văn bản đã có hiệu lực mà còn sửa đổi cả các văn bản đang trong quá trình soạn thảo.
"Cộng đồng doanh nghiệp rất hy vọng Nghị quyết 68 sẽ thúc đẩy một đợt sóng cải cách mới về các quy định kinh doanh, rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam", ông Lộc bày tỏ kỳ vọng.