Kỳ vọng vượt lên với AI
Với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo”, AI4VN 2019 gồm nhiều hoạt động, trong đó có 10 hội thảo chuyên đề với những nội dung mang tính thời sự và ứng dụng cao.
AI4VN kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy sự lan tỏa và phát triển AI cho Việt Nam |
Tại AI4VN có phiên thảo luận và khuyến nghị chính sách với sự tham gia của các cơ quan nhà nước, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, các tập đoàn công nghệ, các chuyên gia và cả starup AI trong nước đang ứng dụng AI trong mô hình kinh doanh và giải các bài toán xã hội. Song song với đó là các hoạt động workshop, triển lãm, biểu diễn công nghệ, cuộc thi hackathon…
Phát biểu về AI4VN 2019, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ này làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế.
Theo nghiên cứu của hãng tư vấn công nghệ Gartner, ngành công nghiệp AI toàn cầu năm 2018 có sự tăng trưởng đột phá (cao hơn 70%) so với năm 2017, đạt giá trị gần 1,2 nghìn tỷ USD. AI có khả năng trở thành công nghệ mang tính đột phá nhất trong 10 năm tới nhờ có những tiến bộ về công suất tính toán; sự nhảy vọt về khối lượng, tốc độ và sự đa dạng của dữ liệu.
AI đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động. Nhiều quốc gia bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của AI trong mọi mặt đời sống xã hội. AI làm thay đổi cán cân quyền lực kinh tế, quân sự, chính trị. “Việt Nam không đứng ngoài hướng phát triển này”, Thứ trưởng Bùi Công Duy phát biểu.
Trong vài năm trở lại đây, ngành trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt, thể hiện rõ nhất ở các sản phẩm có hàm lượng AI ngày càng xuất hiện nhiều. Nhưng Việt Nam phải đối mặt với những thách thức chung như nhiều nước khác là thiếu cơ sở dữ liệu lớn, thiếu nguồn lực, doanh nghiệp làm AI còn ít.
Tại Việt Nam từ năm 2014, AI được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển. Chính phủ xác định đây là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc CMCN 4.0, cần tổ chức triển khai nghiên cứu nhưng chưa có những nội dung cụ thể thúc đẩy phát triển.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng cho biết: "Nhiều người Việt Nam đặt ra câu hỏi có thể dùng AI để vượt lên phía trước, trở thành quốc gia hùng cường hay không? Đó là bài toán chúng ta phải đi tìm lời giải". Nói vậy nhưng vị thứ trưởng này cũng bày tỏ niềm tin: "Chúng ta có quyết tâm, mơ ước và một cộng đồng trí thức đoàn kết, sẵn sàng tiến lên phía trước”.
Bài toán và niềm tin của vị thứ trưởng đã được tìm thấy một phần lời giải ở bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm về kỷ nguyên AI ở Đài Loan của TS. Hsu Hui Huang (Đại học Tam Khang, Đài Loan Trung Quốc). Ông cho biết: “Chúng tôi đầu tư mạnh cho công nghệ trí tuệ nhân tạo thông qua xây dựng các trung tâm nghiên cứu như AI Academy, tổ chức hỗ trợ hay cộng đồng AI". Đây là cách mà Đài Loan vươn lên như một thị trường AI lớn tại châu Á và Việt Nam hoàn toàn có thể đi theo "con đường AI" của Đài Loan.
Nói về sự sẵn sàng của DN Việt Nam, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn FPT cho biết AI là yếu tố cốt lõi của quá trình chuyển đổi số mà nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang hướng tới. Hầu hết các công ty, startup đều tung ra sản phẩm trí tuệ nhân tạo hoặc có ứng dụng một phần AI. "AI giúp doanh nghiệp không tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ 4.0. AI không còn là xu hướng mà là tương lai của nền kinh tế”, ông Việt phát biểu.
AI4VN 2019 kỳ vọng trở thành một trong những nền tảng, động lực thúc đẩy sự lan tỏa và phát triển công nghệ AI cho Việt Nam thông qua kết nối các thành phần bên trong hệ sinh thái từ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, startup đến cộng đồng AI.
Sáng nay, 16/8/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự phiên toàn thể của AI4VN 2019. Các Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát biểu tại phiên này.
Và các bài thuyết trình về AI trong các lĩnh vực như công nghiệp, hay kinh nghiệm AI ở Hàn Quốc, AI trong các tập đoàn lớn ở Việt Nam, AI trong khởi nghiệp sáng tạo… với các diễn giả là TS. Ulli Waltinger (Giám đốc Công nghệ Phòng Thí nghiệm AI - Tập đoàn Siemens, Đức), TS. Kyoo Sung Noh (Chủ tịch/Tổng Giám đốc Trung tâm Năng suất Hàn Quốc), ông Peter Vesterbacka (Đồng sáng lập Fun Academy và Rovio (Angry Birds), Phần Lan) đã thu hút được sự chú ý của người tham dự.
Tiếp đó là phần thảo luận bàn tròn giữa các CEO công nghệ hàng đầu Việt Nam đến từ các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, VinAI... với nhiều ý kiến xác đáng, có sức nặng về thực trạng phát triển ngành công nghiệp AI tại Việt Nam và các giải pháp để thúc đẩy lĩnh vực này.