Lãi suất có lợi gì cho chứng khoán Singapore?
Mặc dù việc giảm lãi suất thường được coi là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Thế nhưng lợi ích của việc lãi suất tại Singapore đã rơi xuống mức âm đối với chứng khoán nước này là không chắc chắn.
Lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng tại Singapore đã giảm xuống sát mức 0% vào tháng trước, trong khi lãi suất hoán đổi một tháng cũng lần đầu tiên rơi xuống mức âm trong gần 9 năm. Tuy nhiên sức hấp dẫn của lãi suất âm đối với thị trường chứng khoán trị giá 370 tỷ USD của đảo quốc sư tử vẫn bị lu mờ trước những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính của đại dịch coronavirus.
Ảnh minh họa |
Tổng sản phẩm quốc nội của Singapore dự kiến sẽ giảm từ 4% đến 7% trong năm nay, mức giảm lớn nhất kể từ khi quốc gia này giành độc lập vào năm 1965, mà nguyên nhân chủ yếu do đại dịch đã giáng một đòn chí tử vào nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại của nước này.
Trong bối cảnh đó, cũng giống như nhiều ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) cũng nới lỏng mạnh tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên do MAS sử dụng tỷ giá hối đoái như là công cụ chính sách tiền tệ chủ yếu nên hồi cuối tháng 3 MAS đã tuyên bố hạ tỷ giá tham chiếu, cho phép đồng nội tệ của mình yếu hơn để thúc đẩy xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. MAS cũng cam kết cung cấp đủ thanh khoản cho thị trường tài chính. Chính phủ Singapore cũng đã triển khai gói kích thích có quy mô lên tới 92,9 tỷ đôla Singapore (66 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế.
Động thái nới lỏng của MAS cộng thêm thanh khoản dư thừa đã đẩy lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. “Lãi suất và lợi suất nợ có chủ quyền giảm có nghĩa là cổ phiếu sẽ có vẻ hấp dẫn hơn so với trái phiếu. Nhưng như chúng ta đã từng chứng kiến tại Nhật Bản và châu Âu, lãi suất cực thấp thường xuất phát từ những nỗ lực chính sách nhằm chống lại áp lực giảm phát và những cơn gió ngược kinh tế”, Eli Lee – Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Bank of Singapore Ltd. cho biết.
Mặc dù lãi suất âm đã trở thành hiện thực trong nhiều năm qua ở châu Âu và Nhật Bản, tuy nhiên đến nay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn liên tục phản đối chính sách này với lý do hiệu quả là không rõ ràng, trong khi nó lại tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hệ thống tài chính. Một số nhà đầu tư Singapore cũng có những lo ngại tương tự khi cho rằng các biện pháp được thực hiện ở nơi khác có thể không hiệu quả đối với quốc đảo này.
“Lãi suất âm sẽ rất bất lợi ở Singapore do thị trường chứng khoán của nước này có mức độ ảnh hưởng rất lớn về tài chính”, Nader Naeimi – Trưởng bộ phận thị trường năng động tại AMP Capital Investors Ltd. ở Sydney cho biết. Theo vị chuyên gia này, ở Nhật Bản và châu Âu, lãi suất âm đã làm giảm biên lợi nhuận của ngân hàng, phá vỡ một kênh quan trọng để truyền tải chính sách tiền tệ và gây ra các giai đoạn giảm giá trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên một số ý kiến khác lại cho rằng, lãi suất rơi xuống dưới 0% cũng có một số tác động tích cực. Chỉ số chứng khoán chính của Singapore bao gồm nhiều cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là các quỹ ủy thác đầu tư bất động sản, những cổ phiếu “thường hoạt động tốt trong môi trường lãi suất thấp”, Joel Ng - một nhà phân tích tại KGI Securities Pte cho biết.
Hiện Singapore đang bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế của mình ngay cả khi nước này đang cố gắng ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trong số hàng ngàn công nhân nước ngoài. Paul Sandhu – Trưởng bộ phận giải pháp đa tài sản và tư vấn khách hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BNP Paribas Asset Management cho rằng, hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh sẽ là yếu tố tác động chính đến giá cổ phiếu.
Chỉ số Straits Times của Singapore đã giảm khoảng 20% kể từ đầu năm và đang giao dịch gần mức định giá thấp kỷ lục dưới 0,9 lần giá trị sổ sách. Trong khi đó, Quỹ SPDR Straits Times Index ETF trị giá 700 triệu USD đang chứng kiến dòng vốn vào kỷ lục khi các biện pháp kích thích và định giá rẻ thúc đẩy các nhà đầu tư.