Lãi suất giảm, ngân hàng vẫn hút tiền gửi
Trong đó, Eximbank cũng giảm 0,1 - 0,2% lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn trên 12 tháng, đưa lãi suất về mức 7,5%/năm lĩnh lãi cuối kỳ, riêng kỳ hạn 60 tháng ít người gửi tiền ngân hàng này niêm yết xuống mức 6,7%/năm; các kỳ hạn trên 6 tháng đến dưới 12 tháng ngân hàng này trả lãi suất quanh mức 6,3-6,8%/năm.
KienLong Bank giảm 0,2-0,4% lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa kỳ hạn từ 6-9 tháng về mức lãi suất 7%/năm đối với các khoản tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ; các kỳ hạn dài hơn lãi suất cũng xoay quanh mức trên 7,6-7,75%/năm. NamA Bank giảm 0,3% lãi suất các kỳ hạn 12 và 13 tháng đưa lãi suất về mức 7,17%/năm cho người gửi tiền lĩnh lãi 6 tháng một lần. Lãi suất tiết kiệm giảm ở hầu hết các kỳ hạn, nhưng các ngân hàng vẫn dành những ưu đãi khuyến khích người gửi tiền vào các kỳ hạn như 6, 9, 12, 13 tháng để thu hút tiền gửi phù hợp với cơ cấu kỳ hạn tiền vay của ngân hàng.
Đặc biệt, để cơ cấu nguồn tiền gửi các ngân hàng không chỉ duy trì lãi suất huy động cao hơn ở các kỳ hạn dài mà còn tặng quà khi khách hàng gửi tiền, mở tài khoản mới, sử dụng các dịch vụ khác của cùng một ngân hàng. Chẳng hạn, KienLong Bank ưu đãi cho người gửi tiền trực tuyến tại ngân hàng này có mức lãi suất cao hơn 1,1% đối với kỳ hạn 6 tháng, kỳ hạn 9, 12 tháng sẽ có mức lãi suất cao hơn lần lượt 0,5%-0,65% so với gửi thông thường tại quầy; hay như Ngân hàng Bản Việt cũng đã áp dụng hình thức tiết kiệm chọn kỳ hạn lãi suất hấp dẫn và tăng lãi suất cho người gửi tiền trực tuyến…
Gần đây các NHTM chủ động giảm lãi suất tiết kiệm khi thanh khoản toàn hệ thống cải thiện. Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, những tháng đầu năm NHNN đã mua vào được 6 tỷ USD. Việc làm này cũng đồng nghĩa NHNN đã bơm ra thị trường khoảng 140.000 tỷ đồng. Thanh khoản trong hệ thống dồi dào, tỷ giá ổn định là tiền đề để cuối tháng 3/2023 vừa qua, NHNN hai lần hạ một số mức lãi suất điều hành… Động thái này của NHNN không chỉ làm định hướng điều hành lãi suất cho các TCTD mà còn tác động tích cực đến tâm lý thị trường.
Mặc dù, lãi suất huy động giảm nhưng huy động vốn của ngân hàng vẫn tăng, bởi các kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ… không mang lại lợi nhuận cao và an toàn như gửi tiết kiệm. Đơn cử, chỉ số giá vàng bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 0,66%, chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,21% (số liệu của Tổng cục Thống kê). Nếu so sánh lợi suất đầu tư, hai kênh này thấp hơn lãi suất tiết kiệm.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, lãi suất huy động giảm là hiệu ứng tích cực, từ kết quả điều chỉnh chính sách lãi suất, tín dụng của NHNN Việt Nam. Qua đó tác động đến việc giảm lãi suất cho vay của các TCTD đối với doanh nghiệp và kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Lệnh, nếu đặt trong mối liên hệ với tiền gửi, lãi suất huy động giảm không ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn huy động. Với các yếu tố chính sau: Thứ nhất, lạm phát cơ bản hiện nay ở mức 4,9%, với mức lãi suất huy động hiện nay đảm bảo nguyên tắc lãi suất thực dương. Thứ hai, kênh tiền gửi tiết kiệm dân cư, tiền gửi ngân hàng hiện nay vẫn là kênh mang lại hiệu quả nhất, an toàn nhất đối với người dân nếu nhìn ở góc độ đầu tư và so với các kênh đầu tư khác. Thứ ba, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện rất tiện ích và linh hoạt, cùng với hoạt động ngân hàng ổn định sẽ luôn là điều kiện thuận lợi thu hút tiền gửi khách hàng, doanh nghiệp và người dân để phục vụ cho các nhu cầu đa dạng về tiết kiệm, thanh toán, đầu tư… rất linh hoạt, an toàn và mang lại lợi ích tối đa.