Lãi suất giảm, quan trọng là khả năng hấp thụ vốn
Lãi suất giảm, chủ đầu tư tung hàng loạt chính sách bán hàng “khủng” đón khách Lãi suất giảm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Lãi suất giảm, ngân hàng vẫn hút tiền gửi |
Lãi suất cho vay vẫn đang trong xu thế giảm và được kỳ vọng sẽ giảm sâu hơn để hỗ trợ nền kinh tế khi mà tuần qua, ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành - lần giảm lãi suất điều hành thứ ba kể từ giữa tháng 3 đến nay.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần mà khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là thiếu đơn hàng để sản xuất - kinh doanh nên nhu cầu tín dụng là không lớn. Bởi vậy, cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, ban ngành để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Lãi vay giảm tiếp
Theo đó, Agribank cũng đã giảm 0,5% lãi suất cho vay hơn 4 tháng đối với các khoản dư nợ trung dài hạn bằng VND. Ngân hàng này ước tính trong đợt giảm lãi suất từ ngày 15/5 - 30/9/2023 sẽ có khoảng 2 triệu khách hàng tiếp cận được đợt giảm lãi suất với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay trung dài hạn của Agribank hiện nay dao động ở mức từ 10-11%/năm. Nếu doanh nghiệp có dòng tiền bán hàng để cho ngân hàng thu hộ thì lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng thấp nhất ở mức 4,5%/năm. Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã 4 lần giảm lãi suất cho vay đối với các loại kỳ hạn vay vốn khác nhau.
Vietcombank cũng giảm 0,5% lãi suất cho vay trong 3 tháng đối với toàn bộ khoản vay của cá nhân và doanh nghiệp (không bao gồm khoản vay chứng khoán, kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi…). Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng ước tính đợt giảm 0,5% lãi suất trong thời gian từ tháng 5-7/2023 sẽ có khoảng 110.000 khách hàng tương ứng với số dư nợ khoảng 600.000 tỷ đồng được tiếp cận; trước đó trong 4 tháng đầu năm ngân hàng này đã có đợt giảm 0,5% lãi suất. Theo đó từ đầu năm đến nay ngân hàng này đã giảm 1% lãi suất cho vay.
Ngoài việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu nhằm hỗ trợ khách hàng trực tiếp giảm chi phí để tập trung tái cơ cấu, khôi phục hoạt động kinh doanh, các ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay mới, với các gói tín dụng phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Đơn cử, Ngân hàng Bản Việt giảm 2% lãi suất cho vay đối với hộ gia đình mở rộng kinh doanh, khi bên vay mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng này. Ngoài ra, Bản Việt còn cùng với đối tác cho vay các dự án sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thân thiện với môi trường với lãi suất từ 8,9%/năm.
Các ngân hàng Sacombank, VPBank, ACB… cũng mới tung ra các gói tín dụng giảm lãi suất sâu đối với những khách hàng cho phép ngân hàng quản lý dòng tiền. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, 10 tổ chức tín dụng có hội sở trên địa bàn từ đầu năm đến nay đã công bố các gói tín dụng tổng giá trị hơn 87.600 tỷ đồng và 100 triệu USD.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Ông Nguyễn Đức Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa châu Âu cho biết, doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu đi 90 thị trường. Từ đầu năm đến nay kinh tế thế giới khó khăn do lạm phát cao, giá cả tăng, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nền kinh tế châu Âu giảm mạnh, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên Trung Quốc mở cửa trở lại sau một thời gian thực hiện chiến dịch zero Covid-19, nên nếu tính tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp chỉ giảm nhẹ. Theo đó, các ngân hàng vẫn tiếp tục cấp hạn mức tín dụng cho Công ty cổ phần Nhựa châu Âu duy trì sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, hàng hóa không bán được, không có dòng tiền trở về, dẫn đến mất thanh khoản. Theo ông Nam, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải giữ được dòng tiền, khi đó sẽ thuận tiện trong việc tiếp cận vốn của các ngân hàng và mọi hoạt động khác đều thông suốt.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, xuất khẩu là nhóm khách hàng lớn nhất của ngân hàng này, thị phần thanh toán xuất nhập khẩu của Vietcombank chiếm 33% trên thị trường. Trong quý I năm nay, Vietcombank cố gắng vượt qua khó khăn để giải ngân cho vay, mặt bằng lãi suất cho vay tốt giúp tín dụng ngân hàng tăng trưởng tốt hơn. Giảm lãi suất cho vay là cần thiết, nhưng lãi suất chỉ là một phần trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn có những thủ tục khác cần tháo gỡ như thủ tục đất đai, phòng cháy chữa cháy…
Trong điều kiện kinh tế thế giới được dự báo còn khó khăn, để tiếp cận vốn ngân hàng trong xu hướng lãi suất cho vay đang giảm hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank cho biết, ngân hàng và doanh nghiệp cần quản lý tốt dòng tiền, không để rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Đặc biệt, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt hàng tồn kho, để hạn chế áp lực rủi ro giảm giá, nên sử dụng sản phẩm phái sinh hàng hóa, doanh nghiệp giảm lợi nhuận một chút nhưng hạn chế được rủi ro biến động giá. Doanh nghiệp cũng cần cơ cấu tài sản, như các doanh nghiệp xuất khẩu tôm chịu áp lực giảm giá, nhưng xuất khẩu gạo năm nay được giá, gạo Việt Nam có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới…