Lãi suất giảm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Gia tăng dòng vốn rẻ
Trong bối cảnh nhiều NHTW lớn trên thế giới vẫn duy trì xu hướng tăng lãi suất, việc NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng nửa tháng được đánh giá là động thái tích cực, minh chứng cho sự điều hành chủ động và linh hoạt từ phía nhà điều hành khi nền kinh tế và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành là cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất đầu ra. Việc giảm lãi suất cho vay sẽ khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn để khôi phục và mở rộng sản xuất, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề quan trọng nhất thời điểm này là làm sao nâng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế |
Đánh giá tích cực động thái hạ trần lãi suất huy động giúp cho hệ thống ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn, từ đó có điều kiện hạ lãi suất cho vay, nhưng TS. Quách Mạnh Hào - Giảng viên Đại học Lincoln (Anh) cho rằng, việc hạ lãi suất tái cấp vốn của NHNN rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, bởi điều đó đồng nghĩa với việc các TCTD có thể "vay" NHNN với mức chi phí thấp hơn, từ đó họ sẽ có thêm nhiều nguồn vốn giá rẻ để mở rộng cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo thống kê của NHNN, tính từ đầu năm đến thời điểm cuối tháng 3/2023, có 24 ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhiều NHTM lớn nhỏ tiếp tục lên kế hoạch giảm lãi suất và tung ra các gói tín dụng quy mô lớn. Vietcombank đang dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và cho các lĩnh vực ưu tiên. ABBank cũng dành 18.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi một số nhóm khách hàng như doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh... với lãi suất vay thấp hơn mặt bằng chung từ 0,2 - 1%/năm, tùy từng doanh nghiệp. Các chương trình tín dụng ưu đãi có ý nghĩa thiết thực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo một ngân hàng cỡ vừa có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngân hàng đang rà soát lại các mức lãi suất hiện tại để điều chỉnh giảm. "Thực tế, các ngân hàng rất muốn giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, vì nếu chi phí cao, hoạt động kinh doanh của khách hàng suy giảm, ngân hàng lại “đau đầu” lo nợ xấu tăng", ông cho biết.
Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu bày tỏ, trong tình hình khó khăn chung, việc giảm lãi suất là một yếu tố vô cùng tích cực đối với doanh nghiệp. Với nhu cầu xoay vòng các khoản vốn liên tục để đầu tư, nên lãi suất chỉ giảm thêm 0,5% cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng, thậm chí có thể nhiều hơn.
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp
Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Kim Hùng đánh giá, việc ngân hàng giảm lãi suất tạo niềm tin, động lực cho doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch kinh doanh sắp tới. Song vấn đề đặt ra ở đây là giảm lãi suất cần hướng tới các lĩnh vực mũi nhọn, động lực tăng trưởng của nền kinh tế như chế biến, chế tạo... Đây là lĩnh vực xương sống, tạo giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Ngoài ra, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch đang có cơ hội phục hồi sau Covid cũng cần được ưu tiên. Theo ông Hùng, vấn đề quan trọng nhất thời điểm này là làm sao nâng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, chỉ khi đó thì việc giảm lãi suất của các ngân hàng mới có thể phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để làm được điều này rất cần có thêm các chính sách hỗ trợ khác để cộng hưởng cùng chính sách tiền tệ, nhất là chính sách thuế như cần giảm sâu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT... sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp.
Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cần chỉ đạo các NHTM rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Song vị này cũng lưu ý khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các câu chuyện khác chứ không chỉ đơn thuần là câu chuyện của lãi suất. Thị trường vẫn cần thời gian để lấy lại niềm tin, có dòng tiền thực và không thể thiếu các giải pháp khơi thông thị trường khác như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...
Để hỗ trợ khách hàng, hiện tại, một số ngân hàng cũng tính đến các phương án giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, có thêm thời gian xoay xở. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng phía ngân hàng cũng cần có những hướng dẫn, tính toán cụ thể để đảm bảo an toàn vốn. Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, doanh nghiệp và ngân hàng nên ngồi lại với nhau để tính toán, rà soát cụ thể, đưa ra giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, doanh nghiệp nào đang gặp khó khăn trước mắt nhưng có thể phục hồi trong ngắn, trung hạn thì tạo thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn.
Trả lời báo chí liên quan đến việc giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay, NHNN đang nghiên cứu để ban hành quy định về chính sách giãn, hoãn nợ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các NHTM thực hiện. Tuy vậy, việc giãn, hoãn nợ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng cả về đối tượng lẫn mức độ, để vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo an toàn cho các NHTM.
Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng cho rằng, song song với việc giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, phía ngân hàng cũng cần kiểm soát thận trọng để ngăn ngừa nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn.
Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, doanh nghiệp và ngân hàng nên ngồi lại với nhau để tính toán, rà soát cụ thể, đưa ra giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, doanh nghiệp nào đang gặp khó khăn trước mắt nhưng có thể phục hồi trong ngắn, trung hạn thì tạo thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn.
Đặc biệt để tăng khả năng hỗ trợ cho doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang nghiên cứu để ban hành chính sách giãn, hoãn nợ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các NHTM thực hiện. Tuy vậy, việc giãn, hoãn nợ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng cả về đối tượng lẫn mức độ, để vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo an toàn cho các NHTM.
Việc lãi suất giảm mạnh được kỳ vọng tạo cú hích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Cùng với chính sách tháo gỡ khó khăn từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý, dự báo hoạt động kinh doanh của các ngành nghề khởi sắc trở lại trong quý II, đó sẽ là những yếu tố có thể tạo động lực để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đặt ra trong năm nay ở mức 6,5%.