Lãi suất giảm trên diện rộng
Lãi suất giảm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Phối hợp chính sách để lãi suất giảm thêm Lãi suất giảm, quan trọng là khả năng hấp thụ vốn |
Số ngân hàng giảm lãi suất huy động vẫn tiếp tục tăng lên trong thời gian qua. Ngày hôm nay 11/8, NCB đã thay đổi biểu lãi suất huy động giảm 0,1%/năm ở loạt kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng chỉ còn 7%/năm. Lãi suất 12 tháng, 13 tháng là 7,3%/năm, cũng là mức cao nhất tại NCB. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm xuống 7%/năm.
ACB cũng vừa áp dụng biểu lãi suất mới, giảm cả các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng cao nhất chỉ còn 4,25%/năm, giảm 0,25%/năm so với trước. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng giảm 0,1 điểm % xuống 6,1-6,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm xuống 6,2-6,5%/năm. Trước đó một loạt NHTM lớn nhỏ hạ lãi suất tiền gửi. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank chỉ còn được hưởng lãi suất 6,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm; 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 3,3 - 4,1%/năm. Tại các ngân hàng TMCP tư nhân, lãi suất cao hơn khoảng 1 - 2%/năm tùy từng kỳ hạn, song tất cả các ngân hàng đều đã đưa lãi suất huy động về mức dưới 8%.
Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động có thêm điều kiện giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng |
Xu hướng giảm lãi suất huy động diễn ra trên diện rộng tạo lập xu hướng giảm lãi suất trên thị trường trong thời gian tới, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện và quyết liệt hơn trong giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Mặt khác, sự cải thiện của lãi suất đã giúp các ngân hàng dễ thở hơn về áp lực chi phí trong 2 quý đầu năm. Nhưng thách thức của các nhà băng hiện vẫn còn trong nửa cuối năm 2023, vì đa phần người dân gửi tiền kỳ hạn thông thường trên 6 tháng, các ngân hàng vẫn cần thêm thời gian để chuyển đổi danh mục tiền gửi lãi suất cao thành thấp hơn, từ đó giảm chi phí huy động chung.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, lãi suất tiền gửi sẽ khó giảm sâu thêm nữa, bởi khi đó sẽ làm chênh lệch lãi suất USD - VND bị âm sâu. Mặt khác, lãi suất huy động thấp khiến nhiều người gửi tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Chẳng hạn, nếu gửi tiền đầu tư tại các công ty chứng khoán, khách hàng có thể nhận về mức lãi suất khá cao. Đơn cử, với sản phẩm eInvest của VPBanks, khách hàng đầu tư 1 tháng lãi suất 7,1%/năm, 6 tháng 9%/năm và 12 tháng là 9,8%, thậm chí đầu tư chỉ 3 ngày cũng được hưởng lãi suất 5,3%/năm. Hay tại PSI lãi suất qua đêm tiền trong tài khoản lên tới 5%/năm. Khách hàng có tiền nhàn rỗi tham gia gói hỗ trợ lãi suất D-Money của VNDirect, gửi tiền kỳ hạn 29 ngày được hưởng lãi suất 5,8%/năm, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất lên tới 7,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng 8,5%/năm.
Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý II/2023 đạt khoảng 67.000 tỷ đồng (tương đương 2,9 tỷ USD), tăng khoảng 9.000 tỷ đồng so với quý trước.
Theo kỳ vọng của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tiền gửi của các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán từ nay tới cuối năm 2023 có thể đạt khoảng 75.000 - 80.000 tỷ đồng, tức là tăng khoảng 10.000 - 20.000 tỷ đồng nữa so với mức cuối quý II/2023.
Không chỉ ở trong nước, các chuyên gia quốc tế cũng cảnh bảo các nước ASEAN cần thận trọng với cắt giảm lãi suất.
Cụ thể, chuyên gia HSBC lo ngại việc các ngân hàng Trung ương trong ASEAN cắt giảm lãi suất sớm, tự tách khỏi lộ trình của Fed có thể dẫn đến tình trạng rút vốn ồ ạt và giảm tỷ giá đột ngột vì nhà đầu tư hướng đến lợi nhuận cao hơn.
Đây là vấn đề cốt lõi cần cân nhắc đối với các nhà làm chính sách tiền tệ, có lẽ chỉ sau lạm phát và tăng trưởng. Một điểm cần lưu ý là nếu không có gì thay đổi, Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý II/2024. Theo HSBC, khu vực đã chứng kiến ảnh hưởng nghiêm trọng khi một nước đưa ra động thái quá "lạc nhịp" với Fed. Từ tháng 6 đến tháng 11/2022, Fed đã không nương tay và triển khai liên tiếp 4 đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. Kết quả là, một lượng lớn vốn đã chảy khỏi ASEAN, các đồng nội tệ phải chịu áp lực.
"Ngoài ra, còn những biến động liên quan đến lạm phát do tỷ giá hối đoái và sự ổn định tài chính. Các ngân hàng trung ương ASEAN cần bám sát Fed và các đợt tăng lãi suất, mặc dù mức độ ở mỗi nước một khác", chuyên gia HSBC cảnh báo.