Lãi suất huy động thiết lập mặt bằng mới
Mức lãi suất 9% đã rất phổ biến
MSB vừa tung ra sản phẩm dành cho người gửi tiền lần đầu ở ngân hàng với lãi suất lên 9% đối với kỳ hạn 6 tháng. Ngân hàng này cũng nâng các mức lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng lên 9,5%, kỳ hạn 15 tháng lãi suất 9,7%, kỳ hạn 24 tháng lãi suất cao nhất 9,9%. Hình thức gửi tiền ngân hàng tạo ra nhiều sản phẩm gửi theo sổ tiết kiệm, tài khoản và chứng chỉ tiền gửi khác nhau, nhưng đối với các mức lãi suất cao này chỉ dành cho người gửi tiền số lượng từ 5 tỷ đồng.
Sacombank cũng nâng lãi suất lên 9,8% nhưng khách hàng phải tham gia gói sản phẩm và kỳ hạn gửi tiền đến 3 năm mới được hưởng mức này lãi suất này. Tương tự, VIB đưa ra mức lãi suất ngang với Sacombank nhưng với áp dụng cho khách hàng có số dư tiền gửi từ 5 tỷ đồng.
Lãi suất tiền gửi tăng cuối năm với kỳ vọng huy động nguồn vốn cho vay |
SCB đã tăng lãi suất tiền gửi 6 tháng lên đến 9,35% đối với dịch vụ gửi tiền online, trong khi kỳ hạn trên 12 tháng tiết kiệm online của ngân hàng này lãi suất lên đến 9,75%. GPBank cũng áp dụng lãi suất 9,3% đối với tiền gửi online kỳ hạn 6 tháng; SeABank áp dụng lãi suất 9,4% cho sản phẩm tiền gửi online; OceanBank áp dụng lãi suất tại quầy 9,5% cho kỳ hạn 3 năm…
Một số ngân hàng khác cũng áp dụng mức lãi suất trên 9% nhưng do kỳ hạn dài hoặc số lượng tiền gửi lớn nên các ngân hàng này không tạo được sự hấp dẫn cho người đến gửi tiền. Giám đốc phụ trách quản lý rủi ro của ACB cho biết, lãi suất tiền gửi tăng nhưng tiền gửi vào ngân hàng tăng rất chậm, không như thời kỳ trước dịch Covid-19.
Một lãnh đạo ngân hàng khác nhìn nhận, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng nhưng do khách hàng có tâm lý kỳ vọng lãi suất tăng tiếp nên ngân hàng không thu hút được tiền gửi kỳ hạn dài. Bên cạnh đó, gửi tiền ngắn hạn đã trở thành xu hướng của người tiêu dùng để dễ bề xoay xở dòng vốn làm ăn kinh doanh. Những người gửi tiền dài hạn, lấy lãi hàng tháng chi dùng hầu hết là cán bộ hưu trí, người cao tuổi.
Áp lực tiếp tục đè nặng lên ngành Ngân hàng
Tại Diễn đàn kinh tế 2023 diễn ra gần đây, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tăng trưởng tín dụng 10 tháng năm 2022 ở mức 11,35%, trong khi huy động vốn của hệ thống ngân hàng chỉ đạt 4,8% so với cuối năm ngoái. Việc lãi suất tiền gửi tăng nhanh tạo điều kiện cho ngân hàng huy động vốn và lợi ích của người gửi tiền. Tuy vậy ngân hàng không thể tăng nhanh lãi suất cho vay, vì ngân hàng đang phải nỗ lực duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi theo chỉ đạo của NHNN.
Một chuyên gia ngân hàng ở TP.HCM đánh giá, hoạt động ngân hàng có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển tín dụng như sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi từ đầu năm đến nay. Đặc biệt là từ tháng 3/2022, Chính phủ đã mở cửa hầu hết các lĩnh vực để người dân tập trung phát triển kinh tế sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống Covid-19. Nhưng hoạt động tín dụng bắt đầu chững lại từ quý III năm nay và có thể năm 2023 ngân hàng sẽ tiếp tục khó khăn về nguồn vốn nếu vấn đề trái phiếu doanh nghiệp chưa sớm được giải quyết. Gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn dồn vào ngân hàng. Trong khi tỷ lệ cho vay trên vốn huy động ở các ngân hàng đã chạm tới giới hạn.
Số liệu báo cáo tài chính hợp nhất quý III của 27 NHTM cho thấy tỷ lệ cho vay trên vốn huy động bình quân rất cao, điều này cho thấy áp lực nguồn vốn sẽ ngày một tăng lên, trong khi nhu cầu vốn thời gian tới có thể sẽ tiếp tục tăng sau khi thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp không còn được như năm 2021 trở về trước để chia lửa với ngân hàng.