Lãi suất và phục hồi tăng trưởng
Nhiều yếu tố khiến mặt bằng lãi suất còn cao
Phát biểu tại Tọa đàm “Tác động môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng năm 2023”, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cùng Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) Việt Nam tổ chức ngày 11/5, ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam ghi nhận, việc có tới 2,7 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2023 (tăng gấp 30 lần cùng kỳ năm 2022 và đạt 1/3 mục tiêu đề ra cho năm 2023) là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I. Tuy nhiên, những điểm sáng như vậy chưa nhiều và tăng trưởng GDP quý I chỉ khoảng 3,3%, với sản lượng công nghiệp, xuất khẩu… đều giảm. Điều đó cho thấy, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực giải quyết những nút thắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, lãi suất cao vẫn là một hạn chế đối với các hoạt động kinh doanh.
“Lãi suất cao sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế - động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do đó, cần có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế phát triển…”, theo ông Florian Feyerabend.
Tọa đàm “Tác động môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng năm 2023”. |
Báo cáo của nhóm nghiên cứu được trình bày tại Tọa đàm cho thấy, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023. Theo TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, môi trường lãi suất cao không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện hành mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp, lớn hơn là đến đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, lãi suất tại Việt Nam trong so sánh với các nước đang ở mức “trung bình cao”. TS. Lực cho rằng điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đơn cử hiện mức độ xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, của bản thân các doanh nghiệp mới ở mức khoảng 2B+ theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, thấp hơn Trung Quốc, hay các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines…
“Tức là mức độ rủi ro của Việt Nam vẫn cao hơn, mà như thế lãi suất sẽ phải cao hơn”, TS. Lực nói.
Một thực trạng khác được chỉ ra là hiện vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém và họ thường đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên một cách thiếu lành mạnh…
Có dư địa và điều kiện để giảm thêm lãi suất
Thực tế trong thời gian vừa qua, 2 lần giảm các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tạo thông điệp và định hướng tích cực cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Các ngân hàng hầu hết đã có sự chủ động trong việc giảm lãi suất, rõ nét nhất là trong tháng Tư và đầu tháng Năm này.
Theo số liệu từ NHNN đến cuối tháng 4, lãi suất huy động chung của tất cả các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 1-1,2%; lãi suất cho vay giảm khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại Nhà nước, mức giảm tích cực hơn (phần lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%; lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%). Qua đó, đưa các khoản tiền gửi mới và các khoản tín dụng mới về các mức bình quân tương ứng với tiền gửi là 6,0-6,1% (cộng tất cả kỳ hạn lại chia bình quân); cho vay từ 9-9,2%. Đây là những con số cho thấy tốc độ giảm lãi suất đang khá tích cực trong thời gian vừa qua.
"Trong bối cảnh ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế là hết sức cần thiết lúc này, thực tế cung tiền có xu hướng giảm (liên tục giảm từ 2021 đến nay), trong khi Việt Nam có xu hướng duy trì được vị thế là nước xuất khẩu vốn (có thặng dư cán cân vãng lai)", TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng có dư địa để tiếp tục giảm thêm lãi suất.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng nếu dung hòa, cân bằng tốt được các chính sách, Việt Nam vẫn có dư địa để giảm thêm lãi suất ở mức 1-2% nữa trong năm nay. Các yếu tố chính để giảm lãi suất được chỉ ra bao gồm: (i) Xu hướng lạm phát trong nước đã và đang giảm dần, kể cả có tăng lên quanh mức 4% thì vẫn chấp nhận được; (ii) Áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá trên toàn cầu hiện đã giảm đi rất nhiều so với năm ngoái; (iii) Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay tốt hơn so với quý IV/2022; (iv) Giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt lên, giúp giảm bớt các ách tắc khi tiền nằm ở kho bạc Nhà nước, nằm ở hệ thống ngân hàng và giảm bớt chuyện nợ đọng vốn lẫn nhau ở các doanh nghiệp.
Theo đó, vòng quay tiền sẽ nhanh hơn, lượng cung tiền năm nay dự báo khoảng 10% cao hơn mức chỉ 6,2% của năm ngoái.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR cũng nhấn mạnh, việc tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, thống nhất cho doanh nghiệp là quan trọng nhất hiện nay. Cùng với đó, trong cân bằng giữa mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cần đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách, trong đó có khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.