Làm gì để phòng ngừa rủi ro trong thương mại quốc tế?
Cảnh báo về gian lận thương mại tại một số nước Trung Đông |
Lừa đảo trong thương mại quốc tế gia tăng
Đáng chú ý, thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, Châu Phi mà ngày càng phổ biến tại cả các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, Canada, Hà Lan, Italia, Na Uy...
Theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, thời gian gần đây, số lượng các vụ lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng. Một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada và dùng vỏ bọc của các doanh nghiệp này để lừa đảo.
Các đối tượng này gọi điện trực tiếp, email, Whatsapp, Viber để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, thậm chí gửi cả chứng nhận ngân hàng, chứng nhận nộp thuế… để xác nhận uy tín, sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng (thường yêu cầu giá CIF), đóng dấu đầy đủ. Đến khi doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu một số loại chứng nhận (thường là không tồn tại). Họ thậm chí gửi bản mẫu các chứng nhận này cho doanh nghiệp Việt Nam, khẳng định đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện của chính phủ Canada, chính quyền tỉnh, bang trước khi chuyển tiền…
Ngoài các vụ việc lừa đảo khá tinh vi như trên, để lừa các doanh nghiệp Việt Nam, các đối tượng còn bỏ một khoản tiền nhỏ nhằm có hợp đồng lớn. Theo đó, một số doanh nghiệp Canada nhập hàng theo cơ chế thanh toán LC trả chậm. Sau khi hàng được giao đầy đủ, đúng số lượng, chất lượng theo hợp đồng, bên nhập hàng dỡ hàng, tự thuê kiểm định không theo thỏa thuận thuê bên thứ ba kiểm định và không chấp nhận kiểm tra ngẫu nhiên mẫu qua video call và cố ý không thanh toán phần chậm trả.
Vừa qua, trước thực trạng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ai Cập bị “dính” gian lận, lừa đảo tăng nhanh, ông Nguyễn Duy Hưng - Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, tranh chấp thường liên quan đến hợp đồng ký qua môi giới khi doanh nghiệp xuất khẩu không liên lạc trực tiếp với nhà nhập khẩu và mọi thông tin trao đổi đều phải qua người môi giới.
Đã có trường hợp người môi giới giả danh thư của bên nhập khẩu gửi cho doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển các lô hàng sớm dẫn đến bên nhập khẩu không đồng ý nhận hàng do sai so với tiến độ giao hàng theo hợp đồng, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải giảm giá, gây thiệt hại không nhỏ. Trong khi hợp đồng ký với người môi giới không chặt chẽ, không có ràng buộc trách nhiệm về mặt thu hồi đủ tiền hàng nên tranh chấp phát sinh và bên xuất khẩu luôn phải gánh chịu phần thiệt hại.
Chia sẻ cùng quan điểm, theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Doanh nghiệp Việt thường quá tin tưởng vào người môi giới. Hiện nay, nhiều hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận. Đáng e ngại hơn, doanh nghiệp cũng đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác, trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới. Vì thế, không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro”.
Các doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng trong thương mại quốc tế |
Phòng tránh bằng cách nào?
Theo bà Trần Thu Quỳnh, trong trường hợp các doanh nghiệp Canada đề nghị bên xuất khẩu tự đứng ra làm các chứng chỉ của Canada và coi đây là yêu cầu bắt buộc cho giao dịch thì hầu hết là lừa đảo. Các chứng chỉ như Canadian Anti-Terrorist Clearance Certificate, Canadian Food Inspection Agency… đều không có thật.
Còn ông Nguyễn Duy Hưng khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Ai Cập trong giai đoạn hiện nay cần xem xét kỹ các điều khoản hợp đồng về điều kiện giao nhận hàng, hình thức thanh toán và bổ sung điều khoản xử lý các phát sinh như trường hợp hàng hóa phải lưu tại cảng dài ngày do vấn đề chậm thanh toán từ phía đối tác nhằm giảm thiểu rủi ro khi thực hiện hợp đồng, hạn chế việc ký hợp đồng thông qua môi giới. Trường hợp ký hợp đồng với bên môi giới thì cần làm rõ trách nhiệm của môi giới trong việc thu hồi đủ tiền hàng (nếu có), hoặc các điều kiện để thanh toán tiền hoa hồng. Các hợp đồng cần có điều khoản thanh toán trước ít nhất 30% giá trị theo thông lệ tại địa bàn. Khi có bất cứ yêu cầu thay đổi từ nhà nhập khẩu, doanh nghiệp cần kiểm tra, xác thực lại thông tin người gửi và yêu cầu đối tác gửi văn bản chính thức để có cơ sở giải quyết khi xảy ra tranh chấp.
Ông Hoàng Minh Chiến thì lưu ý, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại cũng như nhu cầu, thị hiếu để kịp thời tham mưu cho Bộ Công Thương về các vấn đề mang tính chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, cần cập nhật, chia sẻ các tình huống gian lận, lừa đảo thương mại, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các đơn vị liên quan để cung cấp hiệp hội, doanh nghiệp tham khảo, đúc rút kinh nghiệm.