Làm gì để quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử?
Quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường số gặp nhiều khó khăn. Ảnh internet |
Thương mại điện tử (TMĐT) cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cộng nghệ đang là phương thức kinh doanh phổ biến làm thay đổi nhiều cách thức mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Người dân có thể dễ dàng mua các thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến sẵn sàng tiêu thụ trên thị trường mạng chỉ trong vài phút đặt hàng, thanh toán và nhận đơn hàng tận cửa.
Các mặt hàng thực phẩm ngày càng xuất hiện nhiều trên TMĐT thông qua các website TMĐT bán hàng, ứng dụng sàn giao dịch TMĐT trên các thiết bị di động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc kiểm soát chất lượng, việc quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường TMĐT hiện nay như thế nào và giải pháp trọng tâm trong quản lý an toàn thực phẩm thời gian tới.
Đánh giá tình hình xác nhận thông báo, đăng ký đối với website/ứng dụng di động TMĐT có liên quan đến kinh doanh thực phẩm, Bộ Công Thương cho biết, hoạt động kinh doanh thực phẩm thông qua TMĐT được điều chỉnh trực tiếp theo quy định của luật về an toàn thực phẩm và về quản lý hoạt động TMĐT tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (online.gov.vn) là hệ thống thông tin thực hiện thông báo, đăng ký với các website/ ứng dụng TMĐT trong cả nước.
Theo ghi nhận tại hệ thống, trong tổng số 50.334 website TMĐT bán hàng đã được xác nhận thông báo, có khoảng 5.669 website có bán thực phẩm, đồ uống (chiếm 11%), 1.423 website kinh doanh các mặt hàng liên quan đến thực phẩm chức năng (3%) và 234 website cung cấp dịch vụ ăn uống, ẩm thực đến người tiêu dùng (chiếm 0,46%).
Bên cạnh loại hình website TMĐT bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cũng ghi nhận trong tổng số 726 sàn giao dịch TMĐT đã được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký, có 217 sàn cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác lên bán các sản phẩm là thực phẩm, đồ uống (chiếm 30%), 49 sàn có đăng tải thông tin là các sản phẩm thực phẩm chức năng (chiếm 7%) và 19 sàn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, ẩm thực (chiếm 3%).
Về công tác rà soát, phối hợp ngăn chặn và xử lý vi phạm năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, bà Lê Thị Hà, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, năm 2023, Cục đã yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện (đặc biệt đối với các sàn có kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia) và một số sản phẩm theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm các sản phẩm sản phẩm Diệp Bảo - Kem trẻ em; sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe HYPERCARE, L²: SKIN COLLAGEN, Bình Vị Quản, Viên Uống Bách Antri và NANO FUCOIDAN; và các loại bánh trung thu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Kết quả đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm.
Về công tác quản lý hoạt động TMĐT trong 6 tháng đầu năm 2024, đối với hoạt động rà soát các sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm, Cục Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm là Thực phẩm bổ sung Sure Asia Gold do Công ty TNHH Nuôi dưỡng lòng biết ơn quốc tế Asia sản xuất. Ngoài các sản phẩm là thực phẩm, Cục đã yêu cầu nhiều sàn giao dịch TMĐT, website TMĐT bán hàng phối hợp, rà soát các sản phẩm Đông y không rõ nguồn và mỹ phẩm được phân phối bởi Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế STBE và Công ty TNHH thương mại quốc tế KARITA như Melasma TCA (serum phân giải sắc tố), Repair Factor Enyzm Peptide (siêu phục hồi - làm dịu da tổn thương), Nano Detox (tinh chất đào thải sắc tố da), Nano Control Melasma (tinh chất khắc chế sắc tố da), EGF Copper Revive Serum (Sirum cấp ẩm và phục hồi da) và sản phẩm Exopcell có nguồn gốc xuất xứ từ Tây Ban Nha chưa có Phiếu công bố mỹ phẩm. Kết quả, các sàn đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và đã gỡ gần 400 sản phẩm.
Tuy nhiên, theo bà Hà, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục kiến thức khoa học kỹ thuật và pháp luật về an toàn thực phẩm, liên tục nâng cao nhận thức và thực hành của cộng đồng. Trong thời gian qua, Cục đã liên tục đăng tải nhiều khuyến cáo đến người tiêu dùng khi nhận được những thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, gần đây nhất là các bài đăng Cảnh báo sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân chứa Sibutramin”; “Kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các thực phẩm bổ sung vi phạm”; “Cảnh báo 14 sản phẩm siro ho bị cấm ở một số quốc gia chưa được cấp phép tại Việt Nam”; “Khởi tố vụ án thực phẩm giả đầu tiên lực lượng Quản lý thị trường bắt giữ trên không gian mạng”.
Về giải pháp quản lý an toàn thực phẩm trong TMĐT thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ủng hộ việc cơ quan y tế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như đề xuất tại Công văn số 3472/BYT-ATTP ngày 24/6/2024 đối với trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm. Theo đó, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng.
Bên cạnh đó là tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu về TMĐT tại hệ thống Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị liên quan như thuế, công an thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và các đơn vị liên quan như Tổng cục QLTT, Cơ quan Công an, Cục ATTP... về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm.
Cùng với đó là nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử: Đào tạo cho các các bộ làm công tác thực thi pháp luật, công tác QLNN để hiểu về các quy định mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, từ đó hoàn thiện năng lực thực thi trong công tác chuyên ngành liên quan.
Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật: Tăng cường công tác cảnh báo bằng nhiều phương thức khác nhau đến người tiêu dùng, tận dụng các nền tảng mạng xã hội mới, các hình thức truyền tải thông tin mới như livestream, AI, sử dụng người có ảnh hưởng KOL để lan truyền thông điệp về an toàn thực phẩm.