Lạm phát 2018: Sóng trồi sụt khác lạ
Lần bật tăng thứ nhất: Chính sách mở hướng
“Phép thử” khả năng điều tiết ổn định vĩ mô của Việt Nam diễn ra ngay tháng đầu năm của năm 2018. Tháng 1, CPI tăng 0,51% so với tháng trước đó, ghi nhận mức tăng cao nhất 3 năm.
Một phần nguyên nhân của lần tăng này là do thông thường một số chính sách mới hay lấy thời điểm ngày 1/1 làm mốc áp dụng. Năm 2018, có 9 tỉnh, thành phố tiều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế ngày từ đầu năm khiến CPI nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 1,83%. Riêng nguyên nhân này tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,09%.
Tuy nhiên, tháng 1 chỉ mới ở bước khởi động, vì phía trước là Tết Nguyên đán. CPI tháng cuối cùng của năm âm lịch, tháng 2/2018, ghi nhận đỉnh tăng đầu tiên của năm với mức tăng tiếp tục dốc lên tới 0,73%. Hàng loạt nhóm hàng, dịch vụ đều ghi nhận tăng CPI, từ thực phẩm đến đồ uống và thuốc lá, hàng may mặc cho tới dịch vụ làm đẹp…
Tuy nhiên, theo lẽ thường thì tháng Tết âm lịch luôn là “đỉnh cao tuyệt đối” của CPI theo tháng trong năm. Thực tế sau này cũng chứng minh rằng với hai lần thử vận may lên đỉnh tiếp theo đều không qua được con số 0,73% nói trên.
Đến tháng 3, CPI cũng lần đầu tiên “xuống vực”. Chỉ số giá tiêu dùng tháng sau Tết Nguyên đán giảm 0,27% so với tháng trước đó, khi mà gần như tất cả các nhóm nguyên nhân vừa đẩy giá lên thì nay lại “dìm” giá xuống.
Ngược dòng với diễn biến thị trường như trên, 9 tỉnh, thành phố tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế, khiến CPI nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,98%.
Lần bật tăng thứ hai: Thịt lợn “tung hoành”
Quý II khởi động với một thị trường khá bình ổn. CPI tháng 4 chỉ nhích nhẹ so với tháng trước đo. Nhưng, sự ổn định không duy trì lâu.
Suốt cả năm trước, giá thịt lợn giảm “thê thảm” khiến nhiều hộ nuôi bỏ chuồng, chuyển đổi kinh doanh. Sang năm 2018, khi nguồn cung đã giảm đáng kể thì mặc dù đường xuất ngoại còn gian truân nhưng giá thịt lợn đã bắt đầu tăng, mức tăng rất gấp.
Theo ghi nhận của cơ quan thống kê, trong tháng 5/2018, chỉ riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống CPI đã tăng 0,88% so với tháng trước, trong đó thực phẩm tăng tới 1,2% mà nguyên nhân chính là do giá thịt lợn tăng mạnh 5,85%, làm CPI chung tăng 0,25%.
Cùng nguyên nhân trên, CPI tháng 6/2018 tiếp tục bị đẩy lên mức 0,61%, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 1,08%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,75% với đóng góp của giá thịt lợn tăng 8,12% (làm CPI chung tăng 0,34%).
Sang tháng 7, giá thịt lợn tiếp tục đẩy lên và kéo CPI, nhưng ở thời điểm này, nguyên ngân giá thịt lợn không thể “đọ cơ” với dịch vụ y tế. Trong tháng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức giảm cao nhất 5,85% (dịch vụ y tế giảm 7,58%) làm CPI chung giảm 0,29%. Chốt lại, CPI tháng 7 giảm nhẹ 0,09%.
Lần bật tăng thứ ba: Dấu ấn mùa tựu trường
CPI thực phẩm tiếp tục tăng nhưng chỉ kéo dài đến hết quý III. Trong các tháng 8, 9 và 10, chỉ số lạm phát ghi dấu ấn tác động của nhóm giáo dục, do đây cũng là thời điểm của mùa tựu trường.
Vào tháng 8, có 11 địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí; sang tháng 9 có 49 tỉnh, thành phố thực hiện việc này và tháng 10 có 7 địa phương khác tăng học phí. CPI 3 tháng này đi qua các mức tăng 0,45%, 0,59% và 0,33%, rất “đồng điệu” với số tỉnh tăng học phí nêu ở trên.
Tuy nhiên tới hai tháng cuối của năm, các nhân tố đẩy giá đã không còn nhiều và mạnh mẽ, CPI liên tục duy trì ở trạng thái giảm, với CPI tháng 11 giảm tới -0,29% là mức giảm rất mạnh so với lịch sử giá của nhiều tháng trước đó.
Trải qua 12 tháng của năm, một nhân tố cũng khá đồng hành với diễn biến CPI – xăng dầu. Trong 24 lần điều chỉnh giá xăng A95 năm 2018, có 8 lần giá được điều chỉnh tăng, 7 lần điều chỉnh giảm, còn lại là giữ nguyên như lần điều chỉnh trước đó.
Đường biểu diễn biến động giá xăng ở rất nhiều giai đoạn khá tương đồng so với CPI, cũng cho thấy phần nào tác động đáng kể của nhân tố này đến lạm phát năm nay.
Định hình nhân tố tác động lạm phát 2019
Với diễn biến lạm phát trồi sụt liên tục trong năm 2018, rất nhiều tháng lập kỷ lục về mức tăng trong nhiều năm, nhưng tổng hợp lại CPI trung bình năm vẫn trong vòng kiểm soát, tăng ở mức 3,54%, thấp hơn mục tiêu 4% Quốc hội đặt ra.
Đằng sau con số đó, vai trò của điều hành chính sách tiền tệ là khá rõ. Trong năm, hoạt động bơm hút qua thị trường mở rất nhịp nhàng nhằm đảm bảo thanh khoản và ổn định tiền tệ; nhiều hành động chính sách đi trước để tạo bộ đệm cho các cú sốc được tiên liệu, đặc biệt là để ổn định tỷ giá… Lạm phát cơ bản duy trì ở mức hợp lý cho thấy vai trò của chính sách tiền tệ là rất lớn.
Tuy nhiên, nhìn ở những tác động đến CPI từ thị trường thế giới, từ điều chỉnh chính sách, từ các xung đột chính trị tác động đến thị trường hàng hóa… có thể thấy năm 2019 sẽ tiếp tục là năm có nhiều thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát.
Các nhân tố dự kiến có thể tác động đến CPI năm tới là: xăng dầu (dự báo giá xăng năm 2019 khoảng 80-85USD/thùng và tác động khiến giá xăng dầu trong nước tăng 5 - 10%); giá điện đang được đề xuất tăng với 2 phương án 7,57% và 8,42%; giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế tiếp tục được điều chỉnh; dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình; tăng lương…
Năm 2019 khởi đầu sẽ được “hậu thuẫn” bởi mức giảm CPI trong tháng 12, đưa đến mặt bằng giá chung trong tháng đầu năm tới dự báo sẽ ở mức thấp. Nhưng vẫn có vài lưu ý là giá xăng dầu đã giảm thời gian dài có thể bật tăng trở lại, cùng tác động từ điều chỉnh thuế môi trường rất có thể khiến 2019 cũng sẽ mở đầu giống như 2018.