Lạm phát cao trở lại, Fed khó giảm lãi suất
Fed khó giảm lãi suất nhiều như kỳ vọng của thị trường Chủ tịch Fed: Kiên trì với chiến lược cắt giảm lãi suất thận trọng Thêm lý do để Fed trì hoãn giảm lãi suất |
CPI có mức tăng cao nhất trong 6 tháng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng mạnh trở lại vào tháng trước, lên mức tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu do Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ (BLS) mới công bố. Con số này tăng đáng kể so với mức tăng 3,2% trong tháng 2 và đánh dấu mức tăng hàng năm cao nhất trong 6 tháng qua. Báo cáo của BLS cũng nhấn mạnh, con đường giảm lạm phát vẫn “rất gập ghềnh”, và đây tiếp tục là lực cản đối với người dân Mỹ - cho thấy bất kỳ sự nới lỏng chính sách tiền tệ nào cũng khó có thể xảy ra sớm.
Ngày càng ít khả năng Fed sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6 tới |
Trên cơ sở hàng tháng, CPI tháng 3 không thay đổi so với mức tăng 0,4% trong tháng 2. Trước đó theo ước tính của FactSet, các nhà kinh tế kỳ vọng CPI tháng 3 sẽ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo BLS, chi phí xăng dầu và nhà ở đóng góp hơn một nửa mức tăng CPI hàng tháng đó. Ngoài việc giá giảm ở một số danh mục - như ô tô đã qua sử dụng, xe mới, cũng như dầu nhiên liệu - hoặc vẫn giữ nguyên (như giá thực phẩm tại cửa hàng tạp hóa), còn lại giá cả đã tăng trên diện rộng so với tháng trước.
Tổng thống Joe Biden cũng thừa nhận “còn nhiều việc phải làm” để giảm lạm phát. “Báo cáo hôm nay cho thấy lạm phát đã giảm hơn 60% so với mức đỉnh, nhưng chúng ta còn phải làm nhiều việc hơn nữa để giảm chi phí cho các hộ gia đình. Giá nhà ở và hàng tạp hóa còn quá cao, ngay cả khi giá các mặt hàng tiêu dùng quan trọng như sữa và trứng vẫn thấp hơn một năm trước”, ông Biden nói trong một tuyên bố. Lạm phát là một trở ngại đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông, khi các cử tri liên tiếp không đánh giá cao khả năng xử lý của chính quyền trong các vấn đề của nền kinh tế.
Các quan chức Fed luôn nhấn mạnh, Fed muốn thấy sự tiến bộ “có ý nghĩa” về lạm phát trước khi có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất. Mặc dù tốc độ tăng của giá cả chậm lại rõ rệt vào năm 2023, nhưng tiến độ đó không chỉ khó tiếp tục trong năm nay, mà thậm chí còn chuyển sang chiều ngược lại. Do lạm phát chung có thể bị ảnh hưởng lớn bởi các danh mục hàng hóa có tính biến động cao như thực phẩm và năng lượng, nên trong điều hành chính sách tiền tệ, Fed thường xem xét kỹ chỉ số CPI cơ bản. Tuy nhiên, CPI lõi tại Mỹ hiện không giảm như kỳ vọng.
Lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 0,4% so với tháng trước, nâng mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái lên 3,8%, đúng bằng mức tăng của tháng 2. Trong khi đó theo FactSet, các nhà kinh tế đã dự đoán mức tăng hàng tháng chỉ là 0,3% và hàng năm sẽ giảm xuống còn 3,7%. Theo Tyler Schipper, Đại học St. Thomas: “CPI lõi tăng cao hơn dự kiến thực sự là một điều đáng tiếc, cho thấy lạm phát cơ bản vẫn rất dai dẳng và cứng đầu”.
Hàm ý gì đối với Fed
Trên cơ sở 3 tháng so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng ở mức 4,5%, theo bà Sarah House, Giám đốc điều hành và nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo. Một trong những yếu tố dai dẳng và gây khó chịu nhất là chi phí nhà ở vẫn ở mức cao, mặc dù các nguồn dữ liệu cập nhật hơn từ khu vực tư nhân cho thấy tiền thuê nhà đã hạ nhiệt. Trên cơ sở hàng năm, chỉ số nhà ở trong CPI tháng 3 không thay đổi so với mức tăng 5,7% vào tháng 2. “Chỉ số nhà ở vẫn “vững chắc hơn” như vậy tiếp tục làm dấy lên một số nghi ngờ về việc liệu lạm phát nhà ở có thể hạ nhiệt nhanh chóng và hạ nhiệt bao xa trong thời gian tới”, chuyên gia Sarah House nhận xét.
Và không chỉ nhà ở khiến cho lạm phát dịch vụ bị mắc kẹt, chỉ số các dịch vụ khác (không bao gồm chỉ số nhà ở) cũng tiếp tục vượt xa lạm phát chung, tăng 0,5% so theo tháng và 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch vụ chăm sóc y tế - vốn ghi nhận giá giảm nhẹ trong tháng 2 - nhưng đã tăng 0,6% trong tháng 3. Bảo hiểm ô tô cũng ghi nhận mức tăng 2,6% hàng tháng, đưa mức tăng giá hàng năm lên tới 22,2%. “Chúng ta vẫn đang chứng kiến lạm phát dịch vụ rất dai dẳng. Đây là yếu tố mà Fed thực sự đang tập trung vào. Chúng ta vẫn chưa thấy sự cải thiện mà họ (Fed) cần trong lĩnh vực dịch vụ nếu muốn tiếp tục kéo lạm phát xuống thấp hơn đáng kể trong năm nay”, bà Sarah House nói:
Greg McBride, nhà phân tích tài chính của Bankrate, bình luận: “Bạn có thể “hôn tạm biệt” đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6”. Ngay sau khi báo cáo của BLS được công bố, xác suất cắt giảm lãi suất vào tháng 6 mà thị trường định giá đã giảm xuống chỉ còn 21%, giảm từ mức 53% vào thứ Ba và mức 73% vào tháng trước, theo công cụ CME FedWatch.
Kể từ khi những rắc rối trong chuỗi cung ứng giai đoạn đại dịch Covid được giải quyết, lĩnh vực hàng hóa đã giúp lạm phát tổng thể giảm xuống nhanh. Tuy nhiên, áp lực về chuỗi cung ứng cũng đang tăng nhanh trở lại do những căng thẳng địa chính trị và các vụ việc gần đây như tình trạng hỗn loạn đang diễn ra ở Biển Đỏ, hạn hán ở Kênh đào Panama và vụ sập cầu Key đã chặn Cảng Baltimore… Theo bà Sarah House, trong khi động lực giảm lạm phát từ giá hàng hóa đang mất đi thì mọi người vẫn đang chờ đợi những tiến bộ hơn nữa trong việc giảm lạm phát dịch vụ. Về cơ bản chuyên gia này cho rằng, giá cả sẽ không quay trở lại mức trước đây, vì vậy điều tốt nhất có thể mong đợi là tốc độ tăng giá ở mức vừa phải.