Lạm phát giảm, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất
Fed sẽ không tăng thêm lãi suất Fed giữ nguyên lãi suất, cảnh báo có thể kết thúc chu kỳ thắt chặt |
Phù hợp với kỳ vọng của thị trường
Các nhà kinh tế và thị trường tài chính gần đây đều nghiêng về khả năng Fed sẽ tiếp tục dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 11 này, dù thị trường có phần do dự một chút sau khi dữ liệu kinh tế quý 3 vẫn tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ, thể hiện chưa chịu nhiều tác động của chi phí đi vay cao hơn trong suốt thời gian qua.
Mặc dù Fed đã “tích cực” tăng lãi suất, tổng số 11 lần kể từ tháng 3/2022 trong nỗ lực chống lạm phát, nhưng nền kinh tế Mỹ cho đến nay không chỉ vẫn tránh được suy thoái mà còn tăng trưởng, thậm chí có tăng tới 4,9% trong quý 3 khi chi tiêu của người tiêu dùng - yếu tố tác động chủ yếu đến tăng trưởng kinh tế - vẫn vững chắc.
Khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên của nền kinh tế trong quý 3 chính là một trong những lý do đằng sau sự tăng vọt gần đây của lãi suất trái phiếu, với lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động gần ngưỡng 5%. Tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách vừa kết thúc, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tăng vọt của lợi suất trái phiếu gần đây, và điều này “có thể quan trọng đối với các quyết định lãi suất trong tương lai”. Ông Powell nói: “Các điều kiện tài chính đã thắt chặt đáng kể trong những tháng gần đây. Do những thay đổi liên tục trong điều kiện tài chính có thể có tác động đến đường hướng của chính sách tiền tệ, nên chúng tôi theo dõi chặt chẽ những diễn tiến này”.
Các lần tăng lãi suất của Fed kể từ tháng 3/2022 |
Mặc dù so với mức đỉnh 4 thập kỷ vào mùa hè năm ngoái thì hiện lạm phát đã giảm rõ rệt, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Một nền kinh tế tăng trưởng nóng có thể khiến chặng đường cuối trong cuộc chiến chống lạm phát lịch sử của Fed trở nên khó khăn hơn và có thể khiến những tiến bộ mà Fed đạt được trong năm qua bị hủy hoại.
Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cũng như chính một số quan chức Fed dự đoán nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại khi chịu tác động của chi phí đi vay cao hơn, đồng thời tin rằng, khó có khả năng mức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3 sẽ tiếp tục tồn tại, bởi đơn giản vì đó là một điều bất thường. Nhìn lại lịch sử dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, trong 5 năm trước đại dịch Covid-19 (từ 2014 – 2019), tăng trưởng GDP trung bình chỉ đạt 2,6%/năm. Các quan chức Fed cho biết, họ cần thấy “sự tăng trưởng dưới xu hướng nhất quán” để đảm bảo rằng lạm phát đang đi đúng hướng ở mức 2%, bởi khi sức cầu nóng sẽ dẫn đến một số áp lực tăng giá.
“Mọi người đều rất hài lòng khi thấy rằng chúng ta có thể đạt được tiến bộ khá đáng kể về lạm phát mà không phải chứng kiến tình trạng thất nghiệp gia tăng - vốn rất điển hình của một chu kỳ tăng lãi suất”, ông Powell nói. Người đứng đầu Fed nhấn mạnh rằng, một điều “có thể đúng, không phải là chắc chắn, nhưng có khả năng” là ngân hàng trung ương sẽ cần chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm yếu hơn để “khôi phục hoàn toàn sự ổn định về giá cả”.
Mọi ánh mắt đổ dồn vào thị trường việc làm
Không rõ liệu lạm phát có thể tiếp tục chậm lại hay không nếu cả hai yếu tố đó không có dấu hiệu chậm lại một cách nhất quán (chắc chắn). Đánh bại lạm phát mà không làm tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, kinh tế không rơi vào suy thoái sẽ được coi là “hạ cánh mềm” - và một số quan chức Fed đang hy vọng đạt được điều đó.
Tin tốt cho Fed là nền kinh tế được cho là sẽ “mất đà” do chi phí đi vay cao hơn khi lãi suất tăng, ngân sách thắt chặt hơn khi các khoản thanh toán khoản vay dành cho sinh viên được nối lại, các khoản tiền tiết kiệm từ đại dịch đã cạn kiệt và nhiều trở ngại kinh tế khác mà người Mỹ đang phải đối mặt.
Hiện tại, sự biến động của thị trường trái phiếu đang đóng một vai trò quan trọng trong việc hạ nhiệt nền kinh tế, theo nhận xét công khai từ một số quan chức Fed. Một số tuyên bố trong các cuộc họp chính sách của Fed trước đây đều đề cập đến yếu tố “các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn” có thể sẽ ảnh hưởng đến cả lạm phát và nền kinh tế nói chung, nhưng trong tuyên bố từ cuộc họp lần này còn bổ sung thêm vào cả “các điều kiện tài chính”.
Các quan chức cũng rất chú ý đến tình hình tuyển dụng, tiền lương và nhu cầu lao động. Một thị trường việc làm yếu hơn sẽ được Fed đón nhận tích cực vì nó sẽ dẫn đến mức tiêu dùng yếu hơn. Điều kiện thị trường việc làm nhẹ nhàng hơn cũng có nghĩa là người sử dụng lao động cảm thấy ít áp lực hơn trong việc phải tăng lương để tuyển dụng nhân tài. Chỉ số chi phí việc làm - một thước đo rộng rãi về chi phí lao động của người sử dụng lao động - dù đã tăng nhẹ trong quý 3 so với quý 2, nhưng tiếp tục chậm lại so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch Powell cho biết, ông rất vui khi thấy xu hướng đó. “Mức tăng lương thực sự đã giảm đáng kể trong suốt 18 tháng qua, khi chúng gần đạt đến mức phù hợp với lạm phát 2% theo thời gian”, ông Powell nói nhưng lưu ý rằng: “Cho đến nay, tiền lương không phải là nguyên nhân chính gây ra lạm phát”.
Tương tự với dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, các nhà kinh tế cũng kỳ vọng thị trường việc làm sẽ nới lỏng trong những tháng tới, giúp tạo điều kiện cho lạm phát chậm lại. Bà Lydia Boussour, nhà kinh tế cao cấp tại EY-Parthenon nhận định: “Chúng tôi dự đoán các điều kiện thị trường lao động sẽ nhẹ nhàng hơn với việc tiếp tục ngừng tuyển dụng và các quyết định thay đổi quy mô chiến lược cùng với việc tiếp tục điều tiết mức tăng lương danh nghĩa”. Theo chuyên gia này, việc tăng trưởng tiền lương ở mức vừa phải, cùng với nhu cầu hàng hóa và dịch vụ chậm lại, tiền thuê nhà giảm… sẽ dẫn đến tốc độ tăng lạm phát giảm hơn nữa, củng cố cho lập luận ủng hộ việc Fed giữ nguyên lãi suất liên bang trong những tháng tới.
Theo lịch trình, cơ quan thống kê lao động sẽ công bố dữ liệu đánh giá thị trường việc làm Mỹ tháng 10 vào thứ Sáu, bao gồm tăng trưởng việc làm hàng tháng, tăng lương và tỷ lệ thất nghiệp.