Lạm phát lại nóng
Đúng như dự báo của không ít chuyên gia về việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm trong tháng 7 là không bền vững khi nó đã quay đầu tăng trở lại trong tháng 8. Cho dù mức tăng là khá nhẹ, chỉ tăng 0,45% so với tháng trước, song chừng đó cũng đủ làm cho vấn đề lạm phát lại nóng lên. Nhất là khi CPI bình quân tiếp tục tăng lên mức 3,52% từ mức 3,45% của tháng 7 khiến cho việc kiểm soát lạm phát cả năm ở mức dưới 4% như mục tiêu đã đề ra thêm phần khó khăn.
Ảnh minh họa |
Thế nhưng nhìn sâu vào bức tranh lạm phát vẫn thấy nguyên nhân chủ yếu là chi phí đẩy và vấn đề kiểm soát giá cả thị trường khi mà lạm phát cơ bản vẫn được duy trì ổn định, chỉ tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 1,54% so với cùng kỳ; bình quân 8 tháng 2018 so với cùng kỳ 2017, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,38%, chỉ cao hơn một chút so với tháng 7.
Quả vậy, trong tháng có tới 10/11 nhóm hàng hóa - dịch vụ của giỏ hàng tính CPI tăng giá. Đặc biệt nhóm hàng ăn, nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất lại có mức tăng mạnh nhất tới 0,87% trong đó thực phẩm tăng tới 1,12% mà nguyên nhân chủ yếu là do giá thịt lợn tăng tới 3,41%.
Thịt lợn đã liên tục tăng giá kể từ tháng 4 đến nay và hiện giá thịt lợn hơi đã tăng lên tới trên 50.000 đồng/kg, cao hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Đây là diễn biến khá bất thường khi mà nhu cầu tiêu thụ thịt thường có xu hướng giảm trong các tháng mùa hè.
Bên cạnh đó, việc 14 địa phương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định 86/2015/NĐ-CP cũng khiến nhóm giáo dục tăng 0,46%. Rồi nhóm giao thông cũng tăng 0,13% do ảnh hưởng của 2 đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 7/8 và 22/8.
Rõ ràng công tác kiểm soát giá cả thị trường cũng như việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đang ảnh hưởng rất lớn tới diễn biến giá cả thị trường.
Trong khi đó, dự kiến CPI tháng 9 sẽ tiếp tục chịu tác động khi nhiều địa phương khác cũng thực hiện tăng học phí theo lộ trình. Giá xăng dầu thế giới cũng được dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức khá cao và nếu như không sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng trong nước có thể sẽ phải tăng thêm trên dưới 1.000 đồng/lít. Giá thịt lợn cũng rất khó lường khi mà dịch cúm lợn châu Phi đang hoành hành tại Trung Quốc đẩy giá thịt lớn tại nước này tăng cao và có nguy cơ lây lan sang các nước lân cận. Rồi còn thiên tai, bão lũ những tháng cuối năm cũng tạo sức ép lớn đến mặt bằng giá cả…
Thực tế đó cho thấy, không thể chủ quan với lạm phát và muốn kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu đã đề ra, bên cạnh việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng cần phải làm tốt công tác kiểm soát giá cả thị trường; cân nhắc kỹ lưỡng việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Nhận diện rõ các nguyên nhân gây ra lạm phát, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo đã yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủđộng, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đối với giá dịch vụ công do Nhà nước định giá, trong tháng 9 đã điều chỉnh tăng 0,07% học phí nên phải tính toán kỹ việc điều chỉnh các mặt hàng khác trong tháng này. Đặc biệt sẽ không xem xét tăng giá điện trong năm nay.
Để ổn định thị trường thịt lợn, đảm bảo các chỉ số cân đối lớn về CPI theo chỉ đạo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, giám sát hoạt động của thương lái, các nhà cung cấp lớn, các đơn vị phân phối lớn thịt lợn; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá…
Hy vọng với các giải pháp đúng và trúng của Chính phủ cùng sự triển khai quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, lạm phát sẽ được kiểm soát theo đúng mục tiêu.