Lạm phát tại Nhật chạm mức thấp mới, tăng khả năng BOJ kích thích kinh tế thêm
Dữ liệu vừa công bố nói trên sẽ nằm trong số các chỉ số mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ xem xét kỹ lưỡng tại cuộc họp dự kiến diễn ra trong các ngày 30-31/10 tới, khi cơ quan này tổ chức đánh giá định kỳ hàng quý và dự báo tăng trưởng, lạm phát.
Lạm phát thấp và bướng bỉnh một cách khó khuất phục đã làm đậm thêm thách thức mà BOJ phải đối mặt trong việc đẩy nhanh chỉ số này lên mức mục tiêu 2%, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang phải vật lộn với những tác động bất lợi từ suy giảm kinh tế toàn cầu và chính sách tăng thuế doanh thu vừa áp dụng trong tháng này.
“Dữ liệu này bỏ sung một lý do nữa để BOJ đi tới quyết định nới lỏng chính sách ngay tại cuộc họp sẽ diễn ra trong hai tuần tới”, Marcel Thieliant, chuyên gia kinh tế cao cấp về Nhật Bản tại Capital Economics nói.
“Chúng tôi vẫn hy vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ngắn hạn trong bối cảnh vẫn đang tồn tại những lo ngại về sự bất ổn định của nền tài chính”.
BOJ trong một dự báo phát đi hồi tháng 7 đã đưa ra ước tính lạm phát lõi sẽ đạt mức tăng 1,0% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020, và sẽ tiếp tục không đạt mục tiêu tăng 2% trong hai năm tiếp theo.
Nhưng các đánh giá của BOJ có vẻ lạc quan hơn so với nhìn nhận từ các chuyên gia kinh tế. Capital Economics dự báo lạm phát sẽ chỉ ở mức 0% vào năm tới.
Chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI), bao gồm giá các sản phẩm dầu nhưng không bao gồm giá thực phẩm tươi sống, chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ trong tháng 9, phù hợp với dự báo thị trường trung bình và chậm lại từ mức tăng 0,5% trong tháng 8.
Con số trên đánh dấu mức tăng của lạm phát tiêu dùng là thấp nhất kể từ tháng 4/2017. Góp vào diễn biến này, giá của khoảng 297 mặt hàng trong giỏ hàng hóa tính CPI đã tăng, nhưng 168 mặt hàng giảm, trong khi 58 mặt hàng khác không đổi.
Gốc rễ của vấn đề là cầu nội địa tại Nhật khá mong manh, vì khi loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm tươi sống, được BOJ coi là chỉ số chính của lạm phát, CPI lõi tháng 9 chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, chậm lại so với mức tăng 0,6% vào tháng trước.
Sẵn sàng hành động
Với lạm phát thấp một cách bướng bỉnh, Ngân hàng Trung ương đã phát đi tín hiệu sẵn sàng mở rộng chính sách kích thích khi đưa ra cảnh báo về các rủi ro từ bên ngoài đe dọa nền kinh tế và đà lạm phát.
Hai phần ba các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng này. 28 trên tổng số 37 nhà kinh tế cho biết BOJ đã bắt đầu đặt nền móng cho việc tiếp tục giảm lãi suất vào miền âm.
Thống đốc Haruhiko Kuroda nói rằng động thái này là một trong những lựa chọn mà Ngân hàng Trung ương sẽ xem xét nếu cần phải nới lỏng thêm chính sách, mặc dù sẽ có lo ngại rằng một động thái như vậy có thể làm tổn hại thêm lợi nhuận của các tổ chức tài chính hiện mà đang phải vật lộn với biên lợi nhuận mỏng.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách cũng đang quan ngại rằng nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu có thể mất trợ lực từ cầu trong nước do Nhật Bản đã tăng thuế tiêu dùng lên 10% - thay đổi được dự báo sẽ giáng một đòn mạnh vào tâm lý tiêu dùng và ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình.
Nhu cầu toàn cầu chậm lại và tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã gây thiệt hại cho xuất khẩu và ảnh hưởng tâm lý kinh doanh, phủ mây xám lên triển vọng kinh tế Nhật Bản và đẩy BOJ vào tình huống khó khăn.
Sau nhiều năm tăng cung tiền nhưng vẫn thất bại trong việc đẩy giá và làm thay đổi nhận thức của công chúng rằng lạm phát sẽ bị khuất phục, tình thế ấy đã làm tan vỡ hy vọng của các nhà hoạch định chính sách của BOJ, rằng việc nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ hơn sẽ giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát.
Với lãi suất đã ở mức 0% và các công ty giờ đây chỉ muốn tích trữ tiền mặt thay vì chi tiêu, nhiều nhà phân tích nghi ngờ rằng liệu việc nới lỏng tiền tệ thêm nữa có làm được gì nhiều để đẩy lạm phát tăng lên.