Lạm phát vẫn gây áp lực lên NHTW Nhật
NHTW Nhật thay đổi YCC: Khi nào và thế nào? NHTW Nhật sẽ giữ nguyên chính sách nới lỏng NHTW Nhật không sớm từ bỏ chính sách nới lỏng |
Lạm phát tại Tokyo được coi là chỉ báo hàng đầu về xu hướng toàn quốc nên diễn biến đó cho thấy lạm phát vẫn đang rất nóng ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và điều đó càng tạo thêm áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc phải loại bỏ dần các gói kích thích tiền tệ khổng lồ đã duy trì trong nhiều thập kỷ.
Cụ thể chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Tokyo, không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm chi phí nhiên liệu, đã tăng 2,8% trong tháng 8 so với một năm trước đó, thấp hơn so với dự báo trung bình của thị trường là tăng 2,9% và cũng đã chậm lại so với mức tăng 3,0% trong tháng 7. Nhưng nó vẫn cao hơn khá nhiều mục tiêu 2% của BOJ trong tháng thứ 15 liên tiếp.
Các nhà phân tích kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới, phản ánh sự sụt giảm gần đây của giá hàng hóa và tác động cơ bản của mức tăng mạnh trong năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, CPI cốt lõi (loại bỏ cả chi phí thực phẩm tươi sống và nhiên liệu), vốn được BOJ theo dõi chặt chẽ như một thước đo tốt hơn về xu hướng giá chung, vẫn giữ ổn định ở mức 4,0% trong tháng 8, cho thấy nguy cơ lạm phát vẫn ở mức cao.
“Lạm phát có thể đạt đỉnh điểm vào tháng 6, nhưng không chậm lại nhiều như mong đợi, cho thấy các công ty chưa thực hiện xong việc tăng giá”, Yoshiki Shinke - Nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết. "Triển vọng (lạm phát - PV) phụ thuộc phần lớn vào việc liệu người tiêu dùng có thể tiếp tục vượt qua đợt tăng giá hay không. Rất khó, ngay cả đối với BOJ, để dự đoán con đường lạm phát trong tương lai".
Trong khi các khoản trợ cấp của chính phủ làm giảm hóa đơn thanh toán cho các dịch vụ tiện ích, giá thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày vẫn tiếp tục chứng kiến giá tăng, chẳng hạn như giá hải sản tăng 9% và giá giấy vệ sinh tăng 15,5%. Hệ quả là mặc dù chậm hơn nhiều so với mức tăng giá hàng hóa 4,0% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chi phí dịch vụ đã tăng 2,0% trong tháng 8 sau khi tăng 1,9% trong tháng 7.
Giá hàng hóa toàn cầu tăng đột biến vào năm ngoái đã khiến nhiều công ty Nhật Bản buộc phải tăng giá sản phẩm dịch vụ để chuyển chi phí cao hơn sang các hộ gia đình. Điều đó đã níu giữ lạm phát cao hơn mục tiêu của BOJ lâu hơn dự kiến ban đầu của các nhà hoạch định chính sách.
Lạm phát tăng vọt đã khiến BOJ phải thực hiện những điều chỉnh khiêm tốn đối với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu vào tháng 7. Theo đó, mặc dù vẫn duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và tiếp tục mua vào trái phiếu chính phủ để giữ lợi suất trái phiếu 10 năm quanh mức 0%, nhưng biên độ giao động đã được linh hoạt hơn thay vì giới hạn ở mức 5%. Động thái này được các nhà đầu tư coi là sự khởi đầu cho việc thay đổi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trong nhiều thập kỷ.
Nhưng Thống đốc Kazuo Ueda đã loại trừ khả năng sớm thoát khỏi chính sách cực kỳ lỏng lẻo, nói rằng cần phải đợi cho đến khi lương tăng đủ để giữ lạm phát bền vững ở mức khoảng 2%.
BOJ cho biết họ đang tập trung nhiều hơn vào xu hướng lạm phát nhằm loại bỏ các yếu tố chỉ xảy ra một lần, chẳng hạn như trợ cấp của chính phủ để hạn chế tăng giá xăng và hóa đơn tiện ích, đồng thời quyết định chính sách.
Một số chỉ số được coi là thước đo chính của xu hướng lạm phát đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 7, làm tăng khả năng rút lui khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trong nhiều thập kỷ.