Lạm phát: Xăng dầu vẫn là ẩn số
Sở dĩ như vậy là do CPI tháng 6 chỉ chịu tác động của 2 đợt giảm giá xăng dầu ngày 17/5 và 1/6 với mức giảm khá nhẹ. Tính chung cả 2 đợt điều chỉnh này, giá xăng khoáng chỉ giảm khoảng 980 đồng/lít (tương đương giảm 4,42%); xăng E5 giảm 470 đồng/lít (-2,27%)… Chưa kể, tác động giảm giá xăng còn bị xóa đi phần nào khi mà nắng nóng kéo dài kéo theo lượng tiêu thụ điện tăng vọt sẽ đẩy chỉ số giá điện sinh hoạt tăng.
Ảnh minh họa |
Kết quả cuộc điều tra mới đây của Vụ Dự báo Thống kê thuộc NHNN Việt Nam cho thấy, các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam kỳ vọng CPI tháng 6 chỉ tăng 0,29% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng thực tế của CPI tháng 5 là 0,49%.
Nhìn chung, áp lực khiến lạm phát tăng trong những tháng đầu năm chủ yếu do tác tác động của các yếu tố chi phí đẩy, trong đó nổi lên là giá điện và xăng dầu. Tuy nhiên, nếu như tác động của việc tăng giá điện đang nhạt dần thì giá xăng dầu vẫn là một ẩn số và rất khó kiểm soát do phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Đơn cử như đợt giảm giá xăng dầu khá mạnh ngày 17/6 vừa qua có thể sẽ không kịp ảnh hưởng lên CPI tháng tới khi mà giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng nhanh trở lại cùng với sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Hiện giá dầu Brent đã tiến sát mức đỉnh 1 tháng thiết lập ngày 31/5 là 66 USD/thùng và nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng, giá xăng dầu trong nước sẽ rất khó tránh việc tăng trở lại trong kỳ điều hành tới khi mà quỹ bình ổn giá đã cạn kiệt.
Nhìn xa hơn, lạm phát những tháng cuối năm sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố xuất phát từ bên trong lẫn bên ngoài nền kinh tế. Bên ngoài, giá xăng dầu và đồng USD vẫn là một ẩn số khó lường. Theo đó, giá xăng dầu đang có xu hướng tăng nhanh trở lại và phụ thuộc nhiều vào “nhiệt độ” tại khu vực Trung Đông mà tâm điểm là căng thẳng Mỹ - Iran. Trong khi đó thì đồng USD cũng đang trồi sụt bất thường theo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và quan điểm của Fed.
Hiện đồng USD đang có xu hướng điều chỉnh nhẹ sau khi Fed phát đi tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang lại đang hỗ trợ cho đồng USD và đẩy nhân dân tệ rớt giá. Với Việt Nam, diễn biến trái chiều này của đồng USD và nhân dân tệ đều cùng tạo áp lực tăng tỷ giá và lạm phát.
Trong nước, tác động của đợt tăng giá điện đến lạm phát vẫn chưa kết thúc khi mà thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Bên cạnh đó, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, cán cân thương mại đảo chiều thâm hụt trở lại cũng tạo nhiều sức ép đến lạm phát… Thế nhưng, tác động đến lạm phát từ các yếu tố nội tại có thể không lớn bởi mức tăng giá điện đã “ngấm” vào CPI các tháng đã qua nên tác động đang nhạt dần theo thời gian; trong khi việc điều chỉnh giá cả một số loại dịch vụ thiết yếu đã được cân nhắc kỹ về thời điểm và mức độ.
Vì thế, đáng lo ngại hơn cả đối với lạm phát những tháng cuối năm là các yếu tố từ bên ngoài, trong đó ẩn số lớn nhất vẫn là giá xăng dầu. Còn nhớ trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019 được công bố ngày 29/5/2019, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng và lạm phát.
Trong đó, lạm phát năm 2019 được các chuyên gia của VERP dự báo là khó kiểm soát hơn, nhiều khả năng có thể lên tới 4 - 5%. Cụ thể, trong kịch bản đầu tiên, kinh tế tăng trưởng chậm hơn dự kiến, nhưng lạm phát vẫn lên tới 4,21%. Còn trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm có thể ở mức 4,79%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra.
Đặc biệt, theo VEPR, nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra nếu có sự cộng hưởng từ sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài.Nói như vậy để thấy, mặc dù CPI tháng 6 có thể giảm tốc, nhưng không thể chủ quan với lạm phát.