Làn sóng giảm lãi suất lan rộng
Nhiều ngân hàng đã tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay |
Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất do cung – cầu quyết định và không thể cào bằng. Việc tăng hay giảm lãi suất cho vay tuỳ vào chi phí đầu vào cũng như năng lực tài chính của các ngân hàng để đưa ra mức lãi suất cho khách hàng cũng như tuỳ đối tượng khách hàng.
Hiện tại, khi mà lãi suất huy động vẫn đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây dưới sức ép của lạm phát, không ít chuyên gia cho rằng, việc duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại đã là một sự cố gắng rất lớn của các ngân hàng, còn việc giảm thêm lãi suất xem ra là "bất khả thi".
Thế nhưng hiện không ít nhà băng đang biến sự "bất khả thi" đó thành "khả thi" bởi trên thực tế, ngân hàng nào cũng muốn hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả vì họ xác định doanh nghiệp khỏe, ngân hàng mới mạnh. Vì vậy, các ngân hàng đang nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận để duy trì được mặt bằng lãi suất hợp lý, thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Bằng chứng là chỉ trong vòng một tháng qua, đã có 4 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế với mức giảm từ 1-3,5%/năm. Đối tượng khách hàng được giảm lãi suất tập trung ở nhóm sản xuất kinh doanh.
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông tin sẽ giảm lãi suất vay 1%/năm đối với khách hàng. Cụ thể, kể từ 6.12.2022 đến 31.1.2023, cá nhân và doanh nghiệp hiện đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ACB (bao gồm giao dịch tài khoản, thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế và bảo lãnh) sẽ được giảm 1%/năm cho lãi vay. Mức giảm lãi suất vay này cũng được áp dụng cho khách hàng đang có khoản vay đến kỳ tái định lãi suất và khoản vay giải ngân mới.
Đối với khách hàng mới chọn ACB làm ngân hàng giao dịch chính trong hoạt động kinh doanh và đang có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh thời điểm cuối năm, ACB cũng chuẩn bị một hạn mức tín dụng 4.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm để giải ngân cho các khoản vay. Đồng thời với hỗ trợ lãi vay, ACB còn áp dụng chính sách miễn phí giao dịch tài khoản trên ngân hàng số ACB One; gói phí thanh toán quốc tế giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí; hoàn tiền 2 - 10% khi sử dụng các loại thẻ tại ACB…
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã thực hiện giảm lãi suất 1%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân đang vay với thời gian triển khai từ 1.11 đến hết 31.12.2022. Chính sách giảm lãi suất nói trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá.
Kế đến là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng công bố giảm lãi suất cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Cụ thể, từ 1.11 đến 31.12.2022, HDBank giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỉ đồng.
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30.11.2022 cùng với việc triển khai hỗ trợ lãi suất 2%. Đối với dư nợ phát sinh từ 1 - 31.12, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu,… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này. Ước tính trong năm 2022, Agribank tiết giảm khoảng 2.000 tỉ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho 2,2 triệu khách hàng.
Để có dư địa giảm lãi suất, lãnh đạo một NHTM cho biết ngân hàng cân đối các nguồn vốn với giá hợp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đối tượng được giảm lãi suất có chọn lọc, tập trung cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
Các chuyên gia đánh giá, việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay dù ít hay nhiều cũng là hỗ trợ quý giá đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại, cho thấy nỗ lực của các ngân hàng trong việc cân đối các chi phí, chỉ tiêu kinh doanh để “tiếp sức” doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, vào chiều ngày 7/12/2022, hiệp hội sẽ tổ chức cuộc họp với tất cả thành viên bàn về hỗ trợ thanh khoản và thống nhất không tăng lãi suất huy động lên quá cao vào dịp cuối năm. Qua đó, góp phần giảm lãi suất tiền vay, giảm áp lực chi phí tài chính đối với doanh nghiệp.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.