Lãnh đạo cấp cao về tài chính xã hội và môi trường của Citi thăm Việt Nam
Jorge Rubio, Giám đốc bộ phận Tài chính Xã hội toàn cầu của Citi đã đến Việt Nam để gặp gỡ một số công ty công nghệ và khởi nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực kỹ thuật số của Việt Nam, thảo luận với nhiều khách hàng trong số này về những khoản vay có tác động xã hội tích cực đáng kể trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tài chính toàn diện cho các phân khúc khách hàng chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính ở Việt Nam.
Các giao dịch tiềm năng ở Việt Nam dự kiến sẽ đóng góp vào những cam kết Tài chính xã hội của Citi, bao gồm Mục tiêu Tài chính bền vững tới năm 2030 với giá trị 1.000 tỷ đô la Mỹ (trong đó có 500 tỷ đô la Mỹ là Tài chính xã hội) và mục tiêu mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cơ bản cho 15 triệu hộ gia đình, bao gồm 10 triệu phụ nữ cho đến năm 2025.
Chuyến thăm của người đứng đầu bộ phận Phát triển Bền vững và Chuyển đổi Doanh nghiệp của Citi Châu Á Thái Bình Dương, Rapheal Erasmus là bước tiếp nối quá trình thực thi Biên bản ghi nhớ hợp tác về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) hướng tới mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050 của Việt Nam. Biên bản này được ký kết vào tháng 5 giữa Citi Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mục đích của Biên bản là tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin, chia sẻ kiến thức và hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy hơn nữa việc hình thành các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Bà Rapheal Erasmus đã có buổi làm việc với Cục Biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bà đã chia sẻ với quan chức cấp cao của Bộ cũng như với khách hàng về cam kết phát thải bằng không của Citi, các xu hướng về phát triển bền vững hiện nay, những thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng và các giải pháp tiềm năng trong tiến trình chuyển đổi này.
Các lĩnh vực trọng tâm trong mục tiêu phát triển bền vững của Citi bao gồm giải quyết biến đổi khí hậu và hỗ trợ khách hàng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số phát triển xanh với phát thải thấp. Mục tiêu của Citi là trở thành ngân hàng hàng đầu thế giới về thúc đẩy chuyển đổi kinh tế phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng “0”, góp phần bảo đảm cho thành công của tiến trình ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Citi đang trên con đường thực thi các cam kết về tài chính môi trường của mình bằng cách thiết lập Mục tiêu Tài chính môi trường rõ ràng để đẩy nhanh chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp, tăng trưởng xanh. Dự kiến sẽ có nhiều giao dịch huy động vốn lớn ở Châu Á Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực khác nhau, khi các công ty tăng nguồn tài chính hiệu quả với chi phí để hỗ trợ những mục tiêu phát triển bền vững của họ.
Để một giao dịch được tính vào Mục tiêu Tài chính môi trường của Citi, giao dịch đó phải đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chí định sẵn như năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, chất lượng và bảo tồn nguồn nước, giao thông bền vững, công trình xanh, hiệu quả năng lượng, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp và sử dụng đất đai bền vững.
Tại Việt Nam, Citi đã tài trợ cho việc nhập khẩu các tuabin điện gió và làm việc với một công ty đa quốc gia trong lĩnh vực thương mại hàng hóa để tài trợ thu mua cà phê được trồng theo cách thân thiện với môi trường từ các đại lý và người nông dân Việt Nam.
Citi cũng đang thực hiện một dự án trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, cụ thể là phân phối bếp và máy lọc nước cho các hộ gia đình tại hơn 30 tỉnh thành ở Việt Nam. Dự án tạo ra một lượng giảm phát thải tự nguyện đáng kể trong 5 năm tới. Citi đặt mục tiêu cung cấp lượng giảm phát thải này cho các khách hàng doanh nghiệp, giúp họ bù đắp lượng phát thải của mình phù hợp với mục tiêu không phát thải của họ.