Lễ hội du lịch golf: Cơ hội thu hút du khách hạng sang
Quảng bá du lịch từ lễ hội golf
Lễ hội du lịch golf Đà Nẵng 2022 (Danang Golf Tourism Festival 2022) sẽ diễn ra từ ngày 28/8 đến ngày 2/9/2022 tại địa điểm chính là sân golf BRG Da Nang Golf Resort cùng các địa điểm du lịch khác của Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung. Lễ hội sẽ có 9 hoạt động, trong đó trọng tâm là Giải Golf Phát triển Châu Á, hoạt động tham quan trải nghiệm và tập thử golf, quảng bá du lịch Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ lễ hội cũng sẽ diễn ra hội thảo quốc tế về phát triển du lịch golf và các hội nghị chuyên đề về công nghiệp golf, tiềm năng và cơ hội đối với điểm đến du lịch golf Đà Nẵng.
Dự kiến sẽ có 144 vận động viên chuyên nghiệp gồm 120 golfer chuyên nghiệp của Châu Á do Tổ chức Asian Tour mời, 20 golfer chuyên nghiệp của Việt Nam và 4 golfer chuyên nghiệp/nghiệp dư do nhà tài trợ đề cử tham gia Giải Golf Phát triển Châu Á.
Đây là giải thuộc hệ thống giải golf chuyên nghiệp Châu Á - Asian Tour do Tổ chức Asian Tour điều hành. Hệ thống giải này được tổ chức thường niên từ năm 2010 với ít nhất 15 chặng đấu mỗi năm, chủ yếu diễn ra tại các nước Châu Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Brunei, Singapore, Ấn Độ...
Sân BRG Danang Golf Resort tại Đà Nẵng, nơi sẽ diễn ra Lễ hội Du lịch golf Đà Nẵng 2022. |
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, các tiêu chí để lựa chọn địa điểm đăng cai Giải Golf Phát triển Châu Á là: điểm đến giàu tiềm năng phát triển du lịch golf quốc tế; có hệ thống sân golf tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải golf chuyên nghiệp, có thể di chuyển thuận tiện bằng cách đi bộ; sân golf đăng cai gần với các cơ sở lưu trú đẳng cấp quốc tế, không gian tổ chức và kết nối với các địa điểm du lịch nổi tiếng. Công ty cổ phần Dịch vụ tổ chức sự kiện Golf Việt Nam (VGS event) là đơn vị xúc tiến đăng cai giải đấu cho Giải Golf Phát triển Châu Á tại Đà Nẵng trong 3 năm liên tiếp 2022-2024 và Tập đoàn BRG là đơn vị tài trợ đồng hành với Giải Golf Phát triển Châu Á trong 3 năm 2022-2024.
Việc đăng cai Giải Golf Phát triển Châu Á mang lại giá trị truyền thông lớn trên quy mô toàn cầu. Các chương trình truyền hình sản xuất độc quyền cho giải đấu và điểm đến Đà Nẵng sẽ được phát sóng trên 27 kênh truyền hình chuyên đề thể thao trong nước và quốc tế, tiếp cận với hơn 423 triệu khán giả tại Châu Á - Thái Bình Dương và 380 triệu khán giả ở các khu vực khác trên khắp thế giới.
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, thành phố đã đáp ứng các tiêu chí để tổ chức Giải Golf Phát triển Châu Á với những lợi thế riêng có. Ngoài khuôn khổ của một giải đấu, sự kiện còn mang ý nghĩa cao hơn là quảng bá dịch vụ du lịch, giải trí hạng sang của thành phố đến thị trường khách quốc tế, đặc biệt là đối tượng du khách có mức chi tiêu cao. Việc đăng cai Giải Golf Phát triển Châu Á mang lại giá trị truyền thông lớn trên quy mô toàn cầu. Đây là cơ hội để quảng bá về hình ảnh, điểm đến của Đà Nẵng.
Phát triển du lịch golf
Liên đoàn Công nghiệp Golf Châu Á (AGIF) vừa công bố chính thức về việc phối hợp cùng Sở Du lịch TP. Đà Nẵng và Tập đoàn BRG tổ chức Hội nghị Golf kéo dài 3 ngày từ 29 đến 31/8/2022 tại tổ hợp Sheraton Grand Đà Nẵng. Với chủ đề “Du lịch Golf và các Chiến lược phát triển bền vững”, ông Chris Gray, Chủ tịch AGIF cho biết, sự kiện hứa hẹn sẽ là một tuần lễ tuyệt vời khi các nhà lãnh đạo từ nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành công nghiệp golf tập trung tại Đà Nẵng.
Hội nghị sẽ nêu bật những vấn đề tạo dựng tính bền vững của ngành golf và du lịch golf; các hội thảo và hội nghị liên quan đến công tác phát triển ngành golf; quảng bá Đà Nẵng - điểm đến du lịch golf hàng đầu. Hội nghị AGIF Đà Nẵng sẽ đặc biệt tập trung vào tính bền vững trong thiết kế, bảo trì, vận hành sân golf và sự phục hồi du lịch golf trong thời kỳ hậu Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Nga, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ, mặc dù Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và nhiều ngành kinh tế của Việt Nam, bao gồm cả golf, nhưng những thách thức này không thể cản trở hay phủ nhận sự phát triển của ngành công nghiệp golf trong tương lai. Bà Nga cũng cho rằng, chất lượng của hơn 60 cơ sở golf tại Việt Nam trong những năm tới chắc chắn sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến ngày càng phổ biến của những golfer cao cấp từ khắp châu Á và trên thế giới.
Hiện, miền Trung có 7 sân golf đang hoạt động (Đà Nẵng có 3 sân); cả nước có khoảng 70.000 hội viên chơi golf, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là tiềm năng rất lớn để miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng có thể liên kết khai thác, phát triển loại hình du lịch này.
Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá khách du lịch golf có mức chi tiêu cao gấp 6 lần so với du khách thuần túy. Vì vậy, việc nhắm tới phân khúc thị trường khách cao cấp là đúng định hướng phát triển của du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới, góp phần từng bước xây dựng thành phố trở thành điểm đến đẳng cấp, chất lượng, vươn tầm khu vực.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Bình, với mong muốn phát triển du lịch hiệu quả và bền vững, ngành du lịch TP. Đà Nẵng đang nỗ lực cơ cấu lại các lĩnh vực như: thị trường khách, sản phẩm, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú du lịch… Trong đó, du lịch golf đang được quan tâm, phát triển nhằm đưa loại hình du lịch này trở thành một trong những sản phẩm mới của Đà Nẵng.
Năm 2021, ngành du lịch Đà Nẵng đã phối hợp cùng với Liên minh các Sân golf miền Trung tổ chức giải golf “Danang Fantasticity Open 2021” kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 tại các sân golf ở Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam để xúc tiến, quảng bá du lịch golf kết hợp với du lịch MICE, hướng tới các loại hình du lịch chất lượng cao, du khách có khả năng chi tiêu cao.
Hiện, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch đang nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp để phục hồi du lịch nói chung, trong đó có thị trường du lịch golf, đặc biệt là thu hút thêm các đoàn khách MICE đến miền Trung để tham gia du lịch golf.