Liệu OPEC có hãm được đà giảm giá của dầu thô
Theo đó, nhóm các nhà sản xuất thống trị ở Trung Đông đã nỗ lực để nâng giá dầu thô tương lai lên cao hơn trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu ngày một xấu đi và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhu cầu sụt giảm mạnh.
Thực tế đó một lần nữa lại đang đặt ra câu hỏi về việc liệu OPEC có thực sự có nhiều ảnh hưởng đến thị trường dầu thô thế giới hay không, đặc biệt là vào thời điểm các nhà giao dịch dầu liên tục cảnh giác về những dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Gánh nặng của OPEC là chứng tỏ ràng họ vẫn có đẩy đủ các công cụ thích hợp để ngăn chặn sự sụt giảm của giá dầu mà nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ chính sách thương mại của Nhà Trắng”, Helima Croft bình luận.
Ảnh minh họa |
Việc cắt giảm sản lượng và tổn thất nằm ngoài ý muốn ở Iran và Venezuela đã khiến thị phần của OPEC trên thị trường dầu mỏ toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Trong khi đó, Mỹ đã sản xuất dầu nhiều gấp hơn hai lần trong thập kỷ qua và vươn lên trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Thậm chí ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ nhanh đến mức đe dọa nhấn chìm mọi nỗ lực do OPEC khởi xướng nhằm chặn lại đà lao dốc của giá dầu thô thế giới.
Đầu năm nay, Trưởng bộ phận nghiên cứu dầu và khí khu vực EMEA tại J.P. Morgan nói với CNBC rằng, giá dầu giảm dần trong những năm tới có thể khiến OPEC lấy lại một phần thị phần từ Hoa Kỳ.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent giao dịch ở mức khoảng 60,77USD/thùng, tăng khoảng 0,1%; trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ đứng ở mức 56,27 USD/thùng. Tính chung giá dầu Brent kỳ hạn đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh đạt được vào tháng Tư, còn dầu WTI giảm hơn 17%.
“Thực tế là nỗi lo môi trường vĩ mô yếu và các mối quan ngại về phía cầu đang chi phối thị trường”, Stephen Brennock - nhà phân tích dầu mỏ tại PVM Oil Associates cho biết trong một nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư tuần trước (4/9). Brennockdự báo giá dầu Brent sẽ xoay quanh ngưỡng 60 USD/thùng trong những tuần tới.
OPEC và các đối tác ngoài OPEC trong đó có Nga (thường được gọi là OPEC+) dự kiến sẽ gặp nhau tại Abu Dhabi vào tuần tới để đánh giá lại hiệu quả những việc làm của họ trong việc ổn định thị trường dầu thế giới. Cuộc họp có khả năng cung cấp manh mối quan trọng về việc một số nhà sản xuất lớn nhất trong liên minh này sẽ đi xa đến đâu để nâng đỡ giá dầu. Liên minh dự kiến sau đó sẽ nhóm họp lại ở Vienna vào cuối năm để quyết định xem có cần thêm hành động nào cho năm 2020 hay không.
“OPEC sẽ tái khẳng định cam kết tái cân bằng thị trường và hỗ trợ giá dầu trên một nền tảng vững chắc hơn”, các nhà phân tích của RBC Capital Markets cho biết. “Vượt ra ngoài giải pháp đơn giản là tiếp tục hạn chế sản lượng, chúng tôi nghĩ rằng thách thức đối với OPEC sẽ là chứng minh rằng nó vẫn có khả năng thay đổi động lực chính của dầu trong một thị trường đang bị chi phối bởi nỗi lo ngại chiến tranh thương mại và đang chuẩn bị cho lời tweet tiếp theo từ Tổng thống Trump”.
Theo đó, OPEC + được dự kiến sẽ tái khẳng định cam kết tái cân bằng thị trường tại cuộc họp ngày 12/9, trong đó nhà sản xuất dầu lớn nhất OPEC - Ảrập Xêút sẽ nhấn mạnh hơn thông điệp “làm bất cứ điều gì nếu cần” của mình.
Cùng với Nga và các nhà sản xuất đồng minh khác, OPEC đã đồng ý giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày vào đầu năm 2019, thay cho thỏa thuận cắt giảm sản lượng trước đó bắt đầu vào tháng 1/2017. “Nhìn xa hơn trong tương lai, những động lực tăng giá mới đang xuất hiện với sự mất cân đối nguồn cung dự kiến sẽ hồi sinh vào đầu năm tới”, Brennock của PV Oil Associates nói.