Lỗ hổng quản lý vật tư nông nghiệp
Đánh lừa người tiêu dùng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm cả nước tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón. Phần lớn trong số đó được nhập về từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, mỗi năm Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)... Nhu cầu sử dụng tăng cao, cùng với những hạn chế, bất cập trong khâu quản lý khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái các mặt hàng như phân bón, thuốc BVTV đang diễn biến hết sức phức tạp.
Việc quản lý các sản phẩm phân bón, thuốc BVTV còn gặp khó khăn |
Việc người dân sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây thiệt hại lớn cho nông dân, cho các DN. Đặc biệt, là những tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.
Nghiêm trọng hơn, khi trên thị trường còn xuất hiện những loại thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục, một số loại có độ độc rất cao như thuốc trừ sâu 666, thuốc chuột dạng ống thủy tinh... Đây là những nhóm thuốc cấm lưu hành nhưng vẫn được bày bán công khai.
Để đánh lừa người tiêu dùng, một số đối tượng đã tổ chức sản xuất, kinh doanh các loại phân bón vô cơ, hữu cơ có chất lượng kém, không rõ nguồn gốc. Sau đó, dán các nhãn hiệu nổi tiếng rồi tung ra thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, các đối tượng trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét... vào phân bón “xịn” để tăng thêm khối lượng, rồi mập mờ về nhãn hiệu, bao bì. Đối với các loại thuốc BVTV, chúng lợi dụng tâm lý ham sản phẩm có giá rẻ của người sử dụng để sản xuất, kinh doanh các loại thuốc BVTV giả, kém chất lượng.
Đấu tranh với vấn nạn này, thời gian qua các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc với hàng trăm đối tượng.
Cụ thể, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, các địa phương đã rà soát, thanh tra, kiểm tra 1.420 vụ, tiến hành xử lý 306 vụ, 306 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV. Trong đó xử lý vi phạm hành chính 306 vụ, 306 đối tượng, xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng. Đồng thời, tiêu hủy trên 3 tấn thuốc BVTV các loại nhập lậu, không có trong danh mục, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Theo ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, mặc dù cơ quan chức năng đã nỗ lực song tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân.
Cần tăng mức xử phạt
Có thể nói vấn nạn phân bón, thuốc BVTV giả, nhái, kém chất lượng đang diễn biến phức tạp, để lại nhiều hậu quả nặng nề tại các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, việc đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn này lại đang gặp nhiều khó khăn thách thức. Trong đó, có những lỗ hổng trong việc quản lý các sản phẩm vật tư nông nghiệp của các cơ quan chức năng.
Trước hết, hiện nay việc lấy mẫu và giám định tang vật phân bón hay thuốc BVTV thường rất phức tạp, kéo dài nên việc điều tra, xử lý của cơ quan chức năng thường gặp khó, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, “trình độ” làm giả, gian lận các mặt hàng như, phân bón, thuốc BVTV của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, bằng mắt thường rất khó để có thể phát hiện được thật - giả.
Bên cạnh đó, công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp như phân bón hay thuốc BVTV vẫn còn những bất cập. Chính quyền ở một số nơi, đặc biệt ở cấp xã còn buông lỏng quản lý mặt hàng này, tạo điều kiện để các đối tượng lợi dụng. Trên địa bàn cả nước hiện có đến hàng trăm cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác.
Tuy nhiên, trong số đó có nhiều cơ sở chưa được cấp phép sản xuất. Điều này cũng góp phần khiến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Đặc biệt, theo nhiều người mức xử phạt hiện nay chưa đủ răn đe và các đối tượng vi phạm. Hầu hết, các vụ phi phạm trên lĩnh vực này mới chỉ giải quyết theo hướng xử phạt hành chính, nên không đủ sức răn đe.
Thêm một nguyên nhân nữa khiến việc kiểm soát các mặt hàng phân bón hay thuốc BVTV gặp khó chính là do tâm lý của các “thượng đế”. Bởi, thực tế hiện này vẫn còn rất nhiều người tiêu dùng có tâm lý ham đồ rẻ, chỉ quan tâm đến giá cả mà ít quan tâm đến chất lượng, sản phẩm “xịn” hay hàng nhái.
Để ngăn chặn vấn nạn này, tại một hội thảo về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái trên lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV được tổ chức tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch T.Ư Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, cần tăng mức chế tài xử phạt và đề nghị lực lượng liên ngành tổng thanh kiểm tra hệ thống sản xuất, kinh doanh phân bón trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cần bổ sung phân bón là mặt hàng chịu thuế; Cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về phân bón, thuốc BVTV phù hợp với tình hình thực tế.
Về lâu dài, cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phân bón hữu cơ, khuyến khích nông dân đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học...
Đối với người tiêu dùng cũng nên có định hướng lựa chọn, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học trong sản xuất nông nghiệp một cách an toàn, thân thiện với môi trường. Trước mắt, cần nâng cao nhận thức và biết cách phân biệt phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đồng thời, cũng cần hỗ trợ cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng khi phát hiện, nơi sản xuất, kinh doanh các loại phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường...