Lộ trình để công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP
Dự thẻo Đề án phân làm 3 giai đoạn thực hiện, nhấn mạnh tầm nhìn đến năm 2030 thực hiện chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số, trong đó tận dụng sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội đất nước ổn định, thịnh vượng và bền vững.
Giai đoạn 1 (2019-2020) sẽ số hóa các lĩnh vực kinh tế xã hội. Theo đó, triển khai số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước nhằm tăng hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, tạo ra các nguồn tăng trưởng mới; tập trung xây dựng hạ tầng nền tảng; tạo điều kiện môi trường pháp lý; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp số; phát triển nhân lực số.
Giai đoạn 2 (2021- 2025), số hóa thành lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Tập trung thúc đẩy chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, dịch chuyển các doanh nghiệp lên các nền tảng số/các hệ sinh thái, hình thành các chuỗi giá trị hội tụ… chuyển đối số rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Giai đoạn 3 (2026-2030) tiến tới nền kinh tế, xã hội số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới. Các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Tập trung hỗ trợ phát triển các ngành công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để tận dụng cơ hội của công nghệ số, các quốc gia phải thực hiện chuyển đổi số. Năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia để xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.
Theo đó, dự thảo đề án chuyển đổi số quốc gia cũng đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về phát triển hạ tầng số Việt Nam. Cụ thể là đến năm 2020, Việt Nam sẽ triển khai 5G thương mại và đến năm 2025, mạng di động 5G sẽ phủ sóng hầu khắp cả nước, với dịch vụ mới trên nền tảng 5G. Hạ tầng IoT, điện toán đám mây được ứng dụng rộng khắp trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước…
Nhấn mạnh sự cần thiết của chuyển đổi số tại Việt Nam, Dự thảo Đề án nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu nếu muốn có những bứt phá trong phát triển, không bị bỏ lại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin mà phải được hiểu là nút đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. Khi đó, dữ liệu và công nghệ số làm chuyển đổi, cải biến toàn diện mô hình, quy trình, sản phẩm, kết quả đầu ra của quá trình sản xuất, kinh doanh.
Trên quy mô quốc gia, chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng ngày càng lớn đến tăng trưởng GDP, năng suất lao động và cơ cấu việc làm.
TIN LIÊN QUAN | |