Loại bỏ hơn 300 nhãn hiệu thuốc bảo vệ thực vật
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Tính đến nay, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng là 1.173 hoạt chất với gần 4.100 nhãn hiệu thương mại. Số lượng này quá nhiều gây khó cho bà con nông dân lựa chọn. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đang tiến hành rà soát và loại bỏ nhiều nhãn hiệu thương mại và hoạt chất bảo vệ thực vật ra khỏi danh mục.
Con số gần 4.100 nhãn hiệu thương mại đồng nghĩa là với cùng một bệnh trên cùng một cây trồng có rất nhiều loại thuốc khác nhau, nhiều khi hàm lượng cũng chỉ chênh nhau một chút hoặcđược cho thêm một chất gì đó vào và đặt một tên khác. Có trường hợp thuốc bị xuống cấp lại đổi tên.
Carbendazim là một hoạt chất dùng để diệt nấm trên nhiều loại nông sản nhưng việc sử dụng chất này đang gây ảnh hưởng tới hình ảnh nông sản Việt Nam. Tiêu Việt Nam xuất khẩu vào EU cũng đã nhiều lần bị cảnh báo vì có dư lượng chất này. Hay như mật ong cũng khốn đốn vì hoạt chất Carbendazim khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU…
Ngoài Carbendazim, hoạt chất trừ cỏ Paraquat cũng sẽ bị loại bỏ trong danh mục hoạt chất được sử dụng trong nông nghiệp. Dù không thể phủ nhận tác dụng của chất Paraquat như việc giảm sức lao động của nông dân, tăng năng suất cây trồng nhưng chất này đang ảnh hưởng tới môi trường đất, nước.
Không chỉ hai hoạt chất trên, theo ông Hoàng Trung, đơn vị này đang tiến hành rà soát toàn bộ lượng thuốc BVTV nhập khẩu trong 5 năm gần đây và thực trạng sử dụng các loại thuốc BVTV trên địa bàn từng tỉnh.
Theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, từ ngày 1/8/2020, một hàm lượng hoạt chất chỉ cho phép một dạng nhãn hiệu thương mại. Do đó, sẽ có khoảng 600-700 nhãn hiệu thương mại nữa bị loại bỏ ra khỏi thị trường.
“Ngoài ra chúng tôi sẽ thành lập hội đồng khoa học để đánh giá lại những loại thuốc nào gây bệnh cho người như ung thư, rối loạn chức năng sinh sản, ảnh hưởng tới môi trường, làm ảnh hưởng tới hình ảnh nông sản Việt Nam… sau đó sẽ trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNTxem xét loại bỏ”, ông Trung nói.