Loạt “ông lớn” chứng khoán báo giảm lãi
Dù đã hồi phục nhanh và mạnh từ giữa tháng 11/2022, song nhịp điều chỉnh những tháng cuối năm đã đẩy chỉ số VN-Index trong quý IV/2022 giảm 11%. Không chỉ điểm số, quy mô giao dịch chứng khoán trong giai đoạn này cũng giảm mạnh. Thống kê cho thấy, quy mô giao dịch chứng khoán bình quân ba tháng cuối năm 2022 đạt gần 225.000 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2021.
Xét trên quy mô toàn thị trường, ước tính tổng dư nợ cho vay ký quỹ là khoảng 111.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022, giảm 43.000 tỷ đồng, tương đương giảm 27,7% so với quý III/2023; và giảm hơn 72.000 tỷ đồng, tương đương giảm gần 40% so với mức đỉnh lịch sử của quý I/2022 (gần 183.100 tỷ đồng). Do vậy, không ngạc nhiên khi hai mảng kinh doanh chính của công ty chứng khoán là môi giới chứng khoán và cho vay margin bị ảnh hưởng nặng. Từ đó, nhiều công ty chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh giảm sâu.
Ảnh minh họa |
Số liệu cho thấy, các công ty chứng khoán trong quý IV/2022 ghi nhận lãi ròng sụt giảm mạnh 96,6% so với cùng kỳ. Xét riêng top 10 công ty chứng khoán theo thị phần môi giới giao dịch trên sàn HoSE năm 2022 cho thấy, tất cả đều ghi nhận kết quả kinh doanh với lãi ròng quý IV/2022 suy giảm so với cùng kỳ năm 2021. Còn nếu xét cả năm 2022, chỉ duy nhất hai công ty ghi nhận lãi ròng tăng trưởng dương với mức tăng rất khiêm tốn, đó là CTCP Chứng khoán Mirae Asset (tăng 3,43%) và CTCP Chứng khoán VPS (tăng 0,88%).
Bên cạnh các công ty ghi nhận lãi ròng suy giảm, trong quý IV/2022, CTCP Chứng khoán VnDirect là đơn vị duy nhất lỗ với con số 38,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty này lãi 837,5 tỷ đồng. Lần gần nhất VnDirect ghi nhận lỗ là từ 11 năm về trước, cụ thể là vào thời điểm quý IV/2011. Theo giải trình, VnDirect cho biết công ty vẫn đang phát huy hiệu quả các nền tảng kinh doanh cốt lõi để thích nghi với bối cảnh thị trường, tuy nhiên doanh thu giảm mạnh, mảng tự doanh và cho vay ký quỹ kém tích cực, cộng thêm chi phí lãi vay tăng mạnh khiến công ty ghi nhận thua lỗ. Lũy kế cả năm 2022, VnDirect ghi nhận doanh thu hoạt động đạt xấp xỉ 6.829 tỷ đồng và lãi ròng 1.220,2 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 13,08% và giảm 48,8% so với cùng kỳ.
Trong nhóm các công ty ghi nhận doanh thu suy giảm, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có tốc độ sụt giảm thấp nhất trong quý IV/2022, song cũng đã giảm tới gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu suy giảm do các hoạt động: lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 21%; lãi từ cho vay margin giảm 11%; doanh thu hoạt động tư vấn tài chính giảm 97,1%, đều đồng loạt lao dốc. Ba ông lớn khác là CTCP Chứng khoán SSI, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), CTCP Chứng khoán VPS cũng không nằm ngoại lệ. Trong đó SSI đạt doanh thu hoạt động 1.351 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2021. Trong kỳ, các mảng thu nhập chính của SSI vẫn đến từ hoạt động tự doanh (526 tỷ đồng), cho vay margin và phải thu (345 tỷ đồng) và môi giới chứng khoán với (319 tỷ đồng). Dù vậy, so với cùng kỳ năm 2021, các mũi nhọn kinh doanh này đều đã giảm mạnh lần lượt 34%, 38% và 60%. Sau khi trừ đi các chi phí, lãi ròng quý IV/2022 của SSI chỉ còn 234 tỷ đồng, giảm mạnh 76,55% so với quý IV/2021.
Trong khi đó, TCBS ghi nhận doanh thu hoạt động quý IV/2022 đạt 985 tỷ đồng, giảm 34%. Cùng với các khoản chi phí đều tăng, dẫn đến lãi ròng TCBS giảm 71%, chỉ còn 229 tỷ đồng. Có thể thấy, đa phần các mảng kinh doanh của TCBS trong kỳ đều đi xuống, trong đó FVTPL giảm đến 74% xuống còn hơn 95 tỷ đồng; doanh thu môi giới giảm 57% xuống 142 tỷ đồng; lãi từ cho vay và phải thu giảm 11% xuống 333 tỷ đồng; doanh thu bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán giảm 51% xuống 166 tỷ đồng.
Còn với VPS, lãi ròng công ty chứng khoán này trong quý IV/2022 giảm 62% ở mức 74,1 tỷ đồng, với doanh thu từ các hoạt động chính phần lớn đều suy giảm, cụ thể: FVTPL đạt 513,8 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ; doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán 549,7 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lãi từ các khoản cho vay (chiếm 15% doanh thu hoạt động) cũng thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 254,7 tỷ đồng.
Nhiều đơn vị khác ở quy mô nhỏ hơn cũng ghi nhận kết quả kinh doanh giảm sâu là CTCP Chứng khoán KIS (giảm 86,59%), CTCP Chứng khoán MB (giảm 57,66%) và CTCP Chứng khoán FPT (giảm 47,79%).
Chẳng những hai mảng kinh doanh chính khó khăn, bản thân các công ty chứng khoán còn phải gánh chịu khoản lỗ do tự doanh chứng khoán. Cụ thể, báo cáo tài chính của SSI ghi nhận lãi từ FVTPL giảm mạnh xuống 526 tỷ đồng trong quý IV/2022 (giảm 34%). Trong kỳ, SSI ghi nhận đầu tư thua lỗ ở cổ phiếu HPG (lỗ 1,4 tỷ đồng), SGN (lỗ 35,9 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty chứng khoán này cũng ghi nhận lỗ ở một số cổ phiếu niêm yết cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền là VRE, STB, MBB, VPB. Một “ông lớn” khác là VnDirect cũng ghi nhận lãi vỏn vẹn 88,6 tỷ đồng trong quý IV/2022, con số này rất thấp so với cùng kỳ lãi gần 631 tỷ đồng; VPS lỗ FVTPL hơn 10,2 tỷ đồng; TCBS lỗ 48,7 tỷ đồng…
Với bức tranh kết quả kinh doanh ảm đạm trong năm 2022, các chuyên gia nhận định, dù thị trường được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm nay, song nhóm công ty chứng khoán vẫn khó quay trở lại mức lợi nhuận như đã từng đạt được khi thị trường khởi sắc.