Lời giải nào cho bài toán chất thải rắn?
Chất thải, tiện đâu đổ đấy
Huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được mệnh danh là “thủ phủ” của nhiều loại khoáng sản như đá vôi, đá xây dựng, quặng thiếc... Việc khai thác các khoáng sản này diễn ra từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, do khai thác ồ ạt nên đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, vấn đề giải quyết nguồn chất thải rắn phát sinh từ quá trình khai thác, chế biến đang đặt ra nhiều bức xúc...
Bùn thải từ chế biến đá trắng được phơi khô trước khi đưa đi đổ trộm
Từ TP. Vinh, ngược theo quốc lộ 48 lên khu vực xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là hàng chục xưởng cưa xẻ đá trắng mọc lên san sát. Xóm Đồng Cạn nơi tập trung nhiều xưởng chế biến đá nhất, có thể kể đến các xưởng có quy mô lớn như xưởng của Công ty An Sơn, Hoàng Gia...
Điều dễ dàng nhận thấy khi vào khu chế biến đá này là hình ảnh những mảnh đá lớn nhỏ bị các xưởng xẻ thải ra được đổ ngổn ngang khắp nơi chất thành từng đống cao. Chị Lê Thị Thắm, ở xã Đồng Hợp phản ánh: Gần chục năm trở lại đây các xưởng cưa xẻ đá đã mọc lên như nấm.
Xưởng mọc lên nhiều, đến mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn khối đá được chế biến, cưa xẻ ở đây. Tất cả đá thải, bùn thải đều được đổ bừa bãi khắp nơi khiến cho người dân hết sức bức xúc.
Hầu hết, các cơ sở chế biến đá thường đổ thải không đúng nơi quy định, tiện đâu đổ đó. Thậm chí, đổ trộm vào cả đất đai canh tác của người dân, đổ xuống ao, hồ, khe suối, cạnh đường quốc lộ... Nguồn thải chính của các xưởng chế biến đá là những mảnh vụn đá phát sinh trong quá trình cưa xẻ và nước bùn thải từ mùn cưa đá.
Trong đó, vụn đá được các chủ xưởng chở bằng xe tải tìm các địa điểm tùy ý để đổ, còn bùn thải thì cho chảy trực tiếp ra khe suối hoặc cho vào hồ lắng lại để bùn đá khô rồi múc lên và đưa đi đổ. Tuy nhiên, dù là “xử lý” bằng phương pháp nào thì các chủ xưởng đều đổ chất thải lung tung, không có một nơi tập trung nhất định.
Những đống chất thải rắn có màu trắng của đá vôi được đổ ven đường quốc lộ 48 từ xã Tam Hợp đến Đồng Hợp là hình ảnh rất dễ bắt gặp. Ngoài ra, trên quốc lộ 48C đoạn từ xã Tam Hợp đến Thọ Hợp đến đầu thị trấn Quỳ Hợp, cũng có vô số những đống chất thải là đá vụn hay bùn đá khô được đổ bừa bãi hai bên đường.
Thậm chí, có nơi còn tràn ra cả mép đường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tham gia giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân xung quanh.
Tương tự, ngược theo tỉnh lộ 532 vào “thủ phủ” quặng thiếc là xã Châu Hồng, Châu Tiến... cảnh tượng chất thải rắn đổ tràn lan khắp nơi từ vườn tược, ruộng lúa đến ao hồ và cạnh tuyến đường tỉnh lộ này khiến cho cả một vùng quê trở nên ngổn ngang, hoang tàn. Khu vực bãi thải cũ ở Piếng Tỏ trước đây là nơi tập trung hàng vạn khối đất đá thải, nhất là bùn thải phát sinh trong quá trình khai thác và sơ tuyển quặng thiếc.
Những nguồn thải này là tác nhân gây ra bao hệ lụy cho cuộc sống người dân các bản Poòng, bản Na Hiêng, bản Công của xã Châu Hồng. Trời mưa to là đất đá, bùn thải, nước thải tràn ngập xóm làng, nhà cửa của người dân…
Do thiếu quy hoạch?
Việc đổ chất thải rắn bừa bãi của các DN khai thác, chế biến khoáng sản tại huyện Quỳ Hợp diễn ra từ lâu. Đa số các DN ở địa phương này đều đưa ra lời giải thích cho việc làm vi phạm pháp luật của mình là do không có nơi đổ thải tập trung. Giám đốc Công ty Hoàng Gia, đóng tại cụm chế biến đá Đồng Cạn, xã Đồng Hợp nói, đã chế biến khoáng sản là phải có phát sinh chất thải. DN không có chỗ đổ thải thì phải tự tìm nơi để đổ. Cái này là lỗi của chính quyền khi không quy hoạch nơi đổ thải tập trung cho chúng tôi!
Về phía chính quyền ông Hoàng Quang Tiệp, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến khá lúng túng khi PV đề cập vấn đề này. Ông Tiệp cho biết, quả thực là từ trước đến nay chúng tôi chỉ chú trọng đến vấn đề kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép chứ chưa nghĩ đến vấn đề khai thác rồi đổ chất thải ở đâu. Sắp tới xã sẽ tiến hành kiểm tra những DN đổ thải bừa bãi, đồng thời kiến nghị cấp trên xử lý.
Trong khi đó, ở cấp huyện cũng chưa có biện pháp xử lý rốt ráo vấn đề này. Ông Vi Thanh Tường, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp thừa nhận, việc quy hoạch nơi xử lý chất thải rắn phát sinh trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn Quỳ Hợp là một vấn đề “nóng” và đang làm đau đầu lãnh đạo huyện. Hầu hết, các DN ở đây đều đang xử lý theo kiểu tự phát khi chưa có khu quy hoạch đổ thải tập trung.
Vừa qua, chúng tôi đã chọn được một địa điểm khá rộng ở gần cụm công nghiệp nhỏ Thung Khuộc để quy hoạch làm nơi đổ thải tập trung nhưng đang vướng một số vấn đề như giải phóng mặt bằng nên chưa triển khai được…
Hiện, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có 6 cụm công nghiệp nhỏ và chế biến khoáng sản cùng hàng trăm cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản đang hoạt động. Tuy nhiên, việc quản lý vấn đề môi trường tại địa phương này đang bị buông lỏng, trong đó có sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương.
Nếu không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời e rằng trong tương lai không xa sẽ gây ra những hậu quả khôn lường về vấn đề môi trường là vô cùng nặng nề.
Nghệ An hiện có 113 vùng mỏ lớn, 171 điểm quặng, khoáng sản giàu về trữ lượng, đứng đầu là quặng thiếc chiếm 30% tổng trữ lượng toàn quốc. Toàn tỉnh có khoảng trên 300 giấy phép khai thác mỏ. Tuy nhiên, công tác quản lý khoáng sản và các hoạt động khoáng sản còn nhiều tồn tại ở các khâu đánh giá trữ lượng, cấp phép, quản lý sau cấp phép, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được cấp phép. Đặc biệt, là vấn đề xử lý môi trường tại các cơ sở khai thác, chế biến đang bị buông lỏng quản lý… |
Bài và ảnh Đình Tiệp