"Lợi ích kép" cho vay qua kênh số
Theo số liệu của NHNN, có ít nhất 28 TCTD đã ứng dụng công nghệ vào việc cho vay.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ, trong quá trình chuyển đổi số, TPBank đã triển khai nhiều ứng dụng số trong tất cả các hoạt động. Hiện nay 98% giao dịch khách hàng của TPBank được thực hiện trên kênh số. Hơn 90% các hoạt động của ngân hàng được số hóa, giảm thiểu hồ sơ giấy tờ, bản cứng trong các hoạt động nghiệp vụ. Điều này cho phép mọi tiến trình, quy trình được thực hiện nhanh hơn, từ đó ngân hàng tiết kiệm 40% chi phí vận hành và 60% thời gian giao dịch tại quầy của khách hàng.
Theo ông Hưng, việc đẩy mạnh cho vay trên kênh số là giải pháp giúp ngân hàng tinh gọn quy trình, thủ tục cho vay thông qua việc số hóa quy trình từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay vốn đến phê duyệt, giải ngân nhằm đơn giản hóa thủ tục, đồng thời, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ và tiết giảm thời gian xử lý. Trong năm 2024, TPBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tín dụng trên kênh số và sẽ ứng dụng nhiều nền tảng giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc ngân hàng triển khai cho vay trên kênh số giúp doanh nghiệp tiết giảm được nhiều thủ tục cũng như chi phí, thời gian. Bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối chiến lược MSB cho biết, thời gian qua MSB tích cực đẩy mạnh tín dụng đối với doanh nghiệp. Với khách hàng doanh nghiệp, MSB triển khai thành công việc số hóa toàn bộ quá trình cấp tín dụng phục vụ mọi nhu cầu mới và tái cấp tín dụng; nâng tỷ lệ khách hàng trải nghiệm sản phẩm này trên kênh số lên 122%.
Hiện nay MSB cũng từng bước hoàn thành dự án luồng cho vay thẳng (STP), tiến tới vay không "điểm chạm" với khách hàng doanh nghiệp. Theo đó, hệ thống sẽ thực hiện tự động việc tra cứu thông tin doanh nghiệp, các tiêu chí về CIC và chấm điểm không có sự tác động của con người, từ đó tăng tốc độ xử lý tới 9 lần so với quy trình truyền thống. “Năm 2024, MSB định hướng tiếp tục nghiên cứu và xây dựng sản phẩm mới ứng dụng công nghệ số nhằm thu hút nhiều khách hàng trên kênh số và đẩy mạnh tín dụng qua kênh điện tử này”, bà Uyên thông tin thêm.
Đẩy mạnh số hóa hoạt động không phải là từ đòi hỏi của bản thân ngân hàng mà yêu cầu từ cơ quan quản lý. Ngay từ những tháng đầu năm 2024, NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhất là trong bối cảnh tín dụng 2 tháng đầu năm giảm so với cuối năm 2023, NHNN yêu cầu các TCTD tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa...
Có thể thấy, cho vay trên kênh số đang đem lại rất nhiều lợi ích cho ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế. TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, hoạt động cho vay qua kênh số sẽ ngày càng phát triển bởi nhiều lợi ích: không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCTD và tiết kiệm chi phí cho nền kinh tế, mà còn giúp các doanh nghiệp, người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận tín dụng. Việc giảm thiểu quy trình thủ tục giấy tờ, thời gian, đi lại... sẽ góp phần giảm chi phí hoạt động của các NHTM, qua đó có thể gián tiếp tạo điều kiện để ngân hàng có thể giảm được lãi suất cho vay. Đặc biệt từ khi NHNN bổ sung quy định hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử cũng như kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia sẽ giúp các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả hơn.
Để đẩy nhanh hơn hoạt động này, về phía ngân hàng, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú kiến nghị, NHNN và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quá trình chuyển đổi số và cung cấp các dịch vụ sản phẩm thông qua phương tiện điện tử trong hoạt động ngân hàng; tăng cường chỉ đạo và tạo điều kiện các TCTD phi ngân hàng như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính… nâng cao năng lực cấp tín dụng cho nền kinh tế. Đây cũng là một nguồn cung tín dụng đáng kể cho nền kinh tế, đặc biệt là khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế còn hạn chế.