Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Phải tạo động lực mới cho thị trường
Bảo đảm mục tiêu phát triển thị trường an toàn, hiệu quả
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho biết, Luật sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau nhiều năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình trước Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) |
Các đại biểu cũng cho rằng, quy mô thị trường bảo hiểm ở Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, dư địa và tiềm năng phát triển còn rất lớn; do đó việc sửa đổi Luật là rất cần thiết để tạo động lực mới cho sự phát triển của thị trường, nhưng cần bảo đảm mục tiêu phát triển thị trường an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vẫn hoạt động theo lối “tư duy cũ”, do đó, cần hoàn thiện quy định để bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng vi phạm trong ngành bảo hiểm.
Một số đại biểu cũng phân tích, dự thảo Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác có các quy định về loại hình bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; thẩm quyền phê duyệt các chức danh lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp; mô hình tổ chức; trình tự, thủ tục đầu tư; thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm; trách nhiệm của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát...
Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa dự thảo Luật này với các luật khác có liên quan như như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Thanh tra…
Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại biểu đánh giá cao việc xây dựng chính sách, điều kiện để tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên, quy định còn mang tính chung chung, thiếu định lượng, phạm vi chính sách mới chỉ dừng lại ở khuyến khích, tạo điều kiện, mà chưa quy định cụ thể về việc khuyến khích và tạo điều kiện này.
Theo các đại biểu, cần xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù, xây dựng một chương riêng cho dự thảo; cần tổng kết, đánh giá những vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp; xây dựng những quy định cụ thể hơn và mạnh mẽ hơn, quy định mức phí phù hợp và hỗ trợ đối với một số đối tượng ưu tiên tham gia bảo hiểm nông nghiệp;
Cùng với đó quy định rõ các chính sách khuyến khích trong việc tổ chức triển khai sản phẩm là bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm; quy định cụ thể những đối tượng được nhận bảo hiểm trong chương trình phát triển nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp; thiết kế sản phẩm bảo hiểm, hình thức triển khai bảo hiểm phù hợp; thu hút được nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, đầu tư nông nghiệp…
Tán thành việc bổ sung thêm chương về bảo hiểm vi mô, đại Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) khẳng định, đây là loại hình bảo hiểm rất cần thiết, có tính xã hội cao, hướng tới đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ định 2 điều về bảo hiểm vi mô là chưa đầy đủ, gây khó khăn vướng mắc khi triển khai trên thực tế. Đại biểu đề nghị bổ sung, cụ thể hóa các quy định về bảo hiểm vi mô, quy định rõ khung pháp lý, tổ chức điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm, bổ sung các cơ cấu khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên sâu thực hiện bảo hiểm vi mô.
Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật
Tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ cùng với Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật hoàn thiện lại dự án Luật để trình với Quốc hội vào kỳ họp sau, sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các báo cáo đánh giá theo góp ý của đại biểu. Đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về thời điểm hiệu lực của luật là ngày 01/01/2023 thay cho ngày 01/7/2023 như Dự thảo.
Về bố cục và kết cấu của dự án Luật, Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế để điều chỉnh lại Chương VI về tài chính hạch toán, báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm thành 1 mục của Chương III doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm; quy định rõ về Ban kiểm soát và nói rõ chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời tách mục 8, Chương III của dự thảo Luật thành một chương riêng quy định về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển sản phẩm bảo hiểm trên nền tảng số và khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo hiểm để giảm chi phí.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, sẽ đưa các nội dung cần thiết đối với bảo hiểm vi mô vào chương Bảo hiểm vi mô như về điều kiện thành lập, tổ chức tương hỗ, sản phẩm, nguyên tắc hoạt động, sản phẩm bảo hiểm vi mô và đảm bảo tính khả thi phục vụ cho cuộc sống, trợ giúp người nghèo, người yếu thế.
Nhấn mạnh, bảo hiểm vi mô là một loại hình bảo hiểm mới và đồng thời cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với những người yếu thế, thì bảo hiểm vi mô mang tính lợi nhuận không cao và mang tính rủi ro, khi quy định về vấn đề này hiện nay cần có sự linh hoạt. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị đưa vào dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành.
Trước những băn khoăn của đại biểu Quốc hội khi dự thảo Luật có nhiều quy định còn giao Chính phủ hướng dẫn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chủ yếu những nội dung mà Chính phủ hướng dẫn là có tính kỹ thuật và chính sách của nhà nước phù hợp với từng thời kỳ đề cập nhật kịp thời các chính sách và đảm bảo cho luật ổn định lâu dài và phù hợp với thực tiễn. So với Luật hiện hành giao cho Chính phủ hướng dẫn 48 nội dung, đối với dự án Luật mới bổ sung này đề nghị giao Chính phủ 18 nội dung và Bộ Tài chính hướng dẫn 14 nội dung.
Về ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị ghi rõ các loại bảo hiểm bắt buộc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo chỉ đưa vào ba loại bảo hiểm bắt buộc, còn các loại bảo hiểm khác được Quốc hội quy định. Hiện nay, Quốc hội quy định theo các luật chuyên ngành, có 44 luật và không loại trừ về bảo hiểm bắt buộc trong tương lai. Do đó, trong luật này chỉ quy định khái quát mà không ghi cụ thể từng loại.
“Theo kinh nghiệm quốc tế, để bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội cũng chỉ đưa ra 3 loại bảo hiểm là: bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc; bảo hiểm cháy, nổ và bảo hiểm xây dựng được quy định rõ trong luật, còn các loại hình bảo hiểm khác theo các luật chuyên ngành”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm.