Luật Kinh doanh bất động sản 2023: Dự án đưa vào kinh doanh phải công khai thông tin
Đó là khẳng định của ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng tại Hội thảo “Chính sách mới - Trợ lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển” do báo Tiền Phong tổ chức sáng ngày 28/6 tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo |
Theo ông Hải, chưa bao giờ chúng ta có được sự đồng thuận của các cơ quan trung ương và địa phương như hiện nay. Điều này thể hiện sự quyết tâm trong việc ban hành các chính sách để tháo gỡ các khó khăn. Tất cả vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các dự án được triển khai, thúc đẩy dòng vốn và thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua các luật: Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng. Điểm chung của các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các luật này là nhằm đảm bảo phù hợp tình hình thực tế, tháo gỡ tồn tại, hạn chế; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ giữa các luật này với các luật khác có liên quan để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cải cách thủ tục hành chính, chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế, thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở và thị trường bất động sản.
Tất cả vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các dự án được triển khai, thúc đẩy dòng vốn và thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch. |
Kể từ ngày 1/8/2024, bốn luật mới gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng sẽ chính thức có hiệu lực. Bốn luật này có vai trò hết sức quan trọng, đồng thời có sự liên quan mật thiết và có thể ví như chiếc bình thông nhau, sẽ tạo nên những thay đổi lớn về môi trường pháp lý và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường bất động sản vốn đang trầm lắng, một mặt do tình hình kinh tế chậm phục hồi, mặt khác do gặp nhiều vướng mắc, trở ngại về các quy định pháp lý
Đây là “hành động” thể hiện sự quyết tâm và đồng bộ của pháp luật và tác động trực tiếp, trực diện đến các dự án nhà ở, bất động sản, đất đai, tín dụng.
Trong đó, đối với Luật Kinh doanh Bất động sản, một điểm mới nổi bật là các cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ, dưới quy mô nhỏ thì không thuộc phạm vi điều chỉnh. Luật cũng thể hiện tính thống nhất và bổ sung, làm rõ các khái niệm pháp lý quan trọng. Trong đó, quy định rõ các công trình xây dựng được đưa vào kinh doanh liên quan đến bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng, y tế, thể thao, văn hóa để có ứng xử phù hợp. Ngoài ra cũng làm rõ về condotel, officetel… nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho việc đầu tư, kinh doanh các sản phẩm.
Luật này cũng tăng sự công khai, minh bạch về thông tin dự án, giúp người mua có khả năng tiếp cận nhiều hơn các thông tin sạch, nâng cao việc bảo vệ người mua, giảm rủi ro tranh chấp. Cùng với đó là bổ sung rõ các hành vi cấm cũng được quy định chặt chẽ hơn, hay việc mở rộng quyền kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, việc sớm đưa vào thực thi Luật mới kỳ vọng tháo gỡ được những vướng mắc pháp lý sẽ giúp cho nguồn cung ứng dồi dào, nguồn cung tăng lên thì tự nó sẽ điều chỉnh xu hướng thị trường “kim tự tháp” nhà ở bền vững. đa số nhà ở trên thị trường phải là nhà ở của người có tiền, trong đó có nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đang đặt ra từ nay đến năm 2030: “làm sao phải kéo được giá nhà hợp lý, chứ bây giờ giá luôn tăng. Để có thể chuyển hướng sang thị trường bất động sản xanh, sinh thái, sức khỏe, thân thiện môi trường, tích hợp nhiều tiện ích… thì phải có nền tảng pháp lý đồng bộ, thống nhất”.
“Thị trường bất động sản trươc mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng khó khăn ddang có xu hướng giảm dần và thị trường sẽ phục hồi cùng với sự cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh; các doanh nghiệp không còn tìm cách lợi nhuận đơn thuần về phía mình mà luôn luôn đồng hành với nhà đầu tư, khách hàng” – ông Châu khẳng định.
Đặc biệt, Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thêm thông tin, Luật Đất đai 2024 có 180 Điều sửa đổi bổ sung của Luật đất đai năm 2013, trong đó có 80 Điều hoàn toàn mới. Luật mới quy định trong phân cấp, phân quyền về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng. Hiện nay, giao cho Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định, không cần phải trình Thủ tướng Chính phủ như trước đây, việc này đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong đó có dự án bất động sản.
Về Quy hoạch sử dụng đất, Luật Đất đai 2024 thủ tục đơn giản hơn, phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thay vì trước đây phải do Quốc hội. Phân cấp, phân quyền trong định giá đất, giao thẩm quyền cho UBND cấp huyện thay vì trước đây do UBND cấp tỉnh.
Điểm mới của Luật Đất đai 2024 là quyền của người sử dụng đất. Luật quy định sở hữu nhà ở thông thoáng hơn, trong đó người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đối xử như người ở Việt Nam. Quyền và nghĩa vụ của các đối tượng như nhau. Ngoài ra, đối với người gốc Việt Nam ở nước ngoài không còn quốc tịch có thể nhận quyền sở hữu nhà, quyền thừa kế theo quy định, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất.
Theo Luật Đất đai mới quy định, đơn vị công lập được chuyển đổi mục đích sử dụng một phần diện tích trong khu đất đang sử dụng hoặc cho thuê. Quyền thuê trong hợp đồng thuê đất, quyền của người sử dụng đất được chuyển nhượng, được phát sinh khi tổ chức kinh tế thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì khi bán tài sản gắn liền với đất thuê có kèm theo đất, thay vì trước đó nhà nước thu hồi đất, làm các thủ tục tiếp theo mới có thể chuyển nhượng đất.
Ngoài ra, việc thu hồi đất để xây dựng dự án đầu tư xây dựng đô thị Điều 27 quy định rõ phải đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đấu giá nếu đất sạch, đấu thầu nếu đất phải thu hồi. Muốn đấu giá để sử dụng đất thì phải có quy hoạch, phương án bồi thường, tái định cư phải được cơ quan nhà nước phê duyệt.