Luật Quản lý thuế sửa đổi: Tránh tăng thêm trách nhiệm và chi phí cho doanh nghiệp và cá nhân
Để thúc đẩy hiện đại hóa công tác quản lý thuế, Điều 6, Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật đã đề xuất làm rõ nguồn lực tài chính được bố trí từ ngân sách Nhà nước là không quá 0,5% trên dự toán thu ngân sách Nhà nước được Quốc hội giao hằng năm.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tư vấn Thuế, Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam cho rằng, cần làm rõ nguyên tắc, cơ sở tính toán và các tiêu chí để xác định mức ngân sách này có hợp lý và đủ để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế hay không. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ và yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý thuế, đồng thời đảm bảo lợi ích công bằng cho người nộp thuế.
Luật quản lý thuế được DN và người dân quan tâm |
Với việc phê duyệt khi nguồn lực tài chính vượt ngưỡng, trong trường hợp nguồn lực tài chính cần thiết để hiện đại hóa công tác quản lý thuế vượt quá tỷ lệ 0,5%, cần có cơ chế rõ ràng xác định cơ quan cấp nào sẽ phê duyệt, cũng như quy trình để đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn lực tài chính. Điều này sẽ giúp tăng cường niềm tin của người nộp thuế vào việc sử dụng ngân sách Nhà nước hiệu quả và đúng mục đích.
Về thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, quy định hiện hành về Luật Quản lý thuế hướng dẫn đối với trường hợp việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Nguồn tiền trả lãi được chi từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Mặc dù quy định hiện hành đã đề cập mức tính lãi cụ thể trong trường hợp chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hoàn trả tiền lãi cho người nộp thuế và kinh phí chi trả nên hiện nay cơ quan thuế chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.
Trong khi đó, quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, khoản tiền lãi phải trả cho người nộp thuế được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Do quy định về mức lãi phải trả tại 02 văn bản quy phạm pháp luật có sự không thống nhất, Điều 6, Dự thảo Luật sửa đổi 7 luật đề xuất các yêu cầu bồi thường của người nộp thuế liên quan đến tiền lãi phải trả của cơ quan thuế thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 nhằm đảm bảo tính nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
“Trên thực tế chúng tôi nhận thấy điều kiện thi hành quy định về bồi thường của cơ quan Nhà nước theo quy định tại Điều 8, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, là rất phức tạp và gắn liền với cơ sở yêu cầu bồi thường từ những quyết định của cơ quan hành pháp, do vậy là không khả thi đối với người nộp thuế”, ông Bùi Ngọc Tuấn cho biết.
Về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, Điều 6 trong Dự thảo Luật sửa đổi 7 Luật đề xuất yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số tại Việt Nam phải trực tiếp đăng ký thuế, kê khai, tính nộp thuế tại Việt Nam hoặc ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện các nghĩa vụ này. Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung vào Khoản 2, Điều 2 của Luật thuế TNDN sửa đổi định nghĩa về người nộp thuế tại Việt Nam bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Theo ông Tuấn việc đưa ra quy định này có thể dẫn đến một số khó khăn trong việc thực thi và có thể gây tranh cãi. Trước hết, việc đánh thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhưng lại có thu nhập từ các dịch vụ kinh doanh điện tử và nền tảng số tại Việt Nam, có thể không phù hợp với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, cũng như các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Thực tế, trong khuôn khổ BEPS 2.0, Trụ cột 1 đã đưa ra các nguyên tắc phân bổ quyền đánh thuế đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng tại các quốc gia mà doanh nghiệp đó không có sự hiện diện trực tiếp. Theo đó, Việt Nam có quyền đánh thuế một phần lợi nhuận của các doanh nghiệp đa quốc gia có hoạt động cung cấp dịch vụ đến người tiêu dùng tại Việt Nam thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Quyền đánh thuế này không yêu cầu sự hiện diện trực tiếp của doanh nghiệp tại Việt Nam, qua đó mở rộng quyền lực thu thuế của Việt Nam đối với các doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số.
Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định hiện tại theo Dự thảo Luật sửa đổi 7 Luật có thể bị coi là hình thức tương đương với thuế dịch vụ kỹ thuật số (Digital Services Tax - DST) của các quốc gia khác. Điều này có thể dẫn đến việc Việt Nam cần phải xem xét lại các cam kết quốc tế của mình, đặc biệt trong trường hợp Việt Nam tham gia Công ước về Trụ cột 1 của BEPS 2.0. Nếu Việt Nam ký kết và phê duyệt Công ước này, việc áp dụng các hình thức DST hoặc các loại thuếtương tự sẽ cần phải được loại bỏ, nhằm tránh trùng lặp và bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Một vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm là Dự thảo Luật sửa đổi cũng đề cập đến các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các nền tảng số có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nếu họ không có nghĩa vụ nộp thuế trực tiếp.
TS. Cấn Văn Lực Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiện cứu BIDV đề xuất cần đưa vào và giải quyết những vướng mắc về việc khấu trừ thuế VAT hiện nay trong Luật quản lý thuế sửa đổi. Để tránh tình trạng một khâu vướng mắc trong chuỗi khấu trừ VAT mắc thì tất cả các DN trong chuỗi phải dừng lại việc được hoàn thuế, ông Lực khuyến nghị nên tách ra từng khâu với thuế VAT, khâu nào đúng thì cho DN hoàn, chỗ nào vướng, có vấn đề thì cho kiểm tra. Đồng thời đề nghị phải làm rõ và khu trú trách nhiệm các bên có liên quan trong từng khâu, từng người đặc biệt là trách nhiệm cơ quan thuế, cán bộ thuế, ai sai người đó chịu trách nhiệm, nếu không cán bộ không dám làm. Bên cạnh đó là phân nhóm các hồ sơ hoàn thuế trên cơ sở rủi ro. Với DN tốt có thể cho hoàn trước 70% thuế VAT.
Một vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm là dự thảo quy định các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các nền tảng số có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nếu họ không có nghĩa vụ nộp thuế trực tiếp.
Thành viên hội đồng tư vấn cấp cao Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - ông Phạm Đình Thưởng phân tích hiện có 163 ngàn cá nhân doanh trên sàn thương mại điện tử, việc này sẽ không tốn nhiều thời gian rảnh rỗi của họ khi tự kê khai thuế. Song nếu đồn lên các sàn thương mại điện tử đặc biệt với những sàn lớn như Ladada, Shoppe, Tiktok, thì chi phí dự tính phải đầu tư nhân sự phải tăng gấp chục lần. Hai là trong quy định pháp luật không có quy định về đối tượng nào là đối tượng phải người nộp thay trừ một số trường hợp được khấu trừ thuế tại nguồn khi đơn vị chi trả nộp thay cho người khác.
Phó chủ tịch AmCham, bà Virginia B. Foote cho rằng "Việc này không chỉ chuyển trách nhiệm của cơ quan thuế lên các sàn điện tử khi phải tăng nhân lực và chi phí lớn cho công tác này mà không thu được nguồn lợi gì mà còn tạo tăng gánh nặng cho chính nhà bán hàng bởi một nhà bán hàng bán có thể kinh doanh trên nhiều sàn điện tử khác nhau. Như vậy một mặt họ vừa phải báo cáo cho cơ quan thuế một mặt phải báo cáo cho các sàn kinh doanh để đảm bảo thông tin được chính xác. Quy định này vô hình chung tạo rào cản cho các DN nhỏ và vừa, cá nhân tham gia trên sàn thương mại điện tử".
Ông Cấn Văn Lực nêu thực tế với việc các nhà bán hàng bán hàng qua livestream đến các cơ quan thuế thu còn khó nữa là giao cho các sàn thương mại điện tử.
Từ đó nhiều DN và chuyên gia đề xuất Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ quy định này. Nếu triển khai thì cơ quan thuế cần có công nghệ thông tin đủ mạnh để kết nối với các sàn đồng thời áp chung một mức thuế, để áp dụng thuận tiện thay vì nhiều mức như hiện nay.
Một số chuyên gia kiến nghị chỉ nên áp dụng với thuế gián thu. Ông Thưởng cũng kiến nghị cần có quy định về đăng ký kinh doanh với nhà bán hàng cá nhân trong trường hợp đạt đến quy mô nhất định và quản lý nhà nước bao gồm đối tượng này như một DN. Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cho rằng không nên quy định vấn đề này trong Luật mà giữ nguyên trách nhiệm hiện nay của các sàn thương mại điện tử là chia sẻ thông tin cho cơ quan thuế nhằm mục đích đối soát và giám sát thu thuế.
Hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi 7 Luật đưa ra quy định chung về việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Tuấn cho ràng việc áp dụng hóa đơn điện tử cho các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) thực hiện kinh doanh tại Việt Nam cần được làm rõ hơn. Cụ thể, để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, và phù hợp với pháp luật thuế GTGT của Việt Nam, nên bổ sung quy định về quy trình đăng ký mẫu hóa đơn điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài. Quy trình này có thể được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, nơi các nhà cung cấp nước ngoài có thể đăng ký mẫu hóa đơn điện tử của mình với cơ quan thuế Việt Nam. Sau khi được chấp thuận, tổ chức kinh doanh tại Việt Nam có thể sử dụng các hóa đơn này như hóa đơn đầu vào để khấu trừ thuế GTGT. Điều này không chỉ giúp đảm bảo tính hợp pháp của hóa đơn mà còn giúp người nộp thuế giảm thiểu rủi ro khi xác minh tính hợp lệ của hóa đơn.