Lực mua mạnh mẽ quay lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới
Thị trường hàng hóa: Giá dầu tiếp tục suy yếu, thị trường cà phê phục hồi [Infographic] Xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 65,82 tỷ USD |
Thị trường dành sự chú ý đến nhóm kim loại khi có đến 9 trên 10 mặt hàng đồng loạt tăng giá. Ở chiều ngược lại, nhóm nông sản trải qua phiên giao dịch giằng co, giá ngô giảm nhẹ 0,59% trong khi giá lúa mì kéo dài đà tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp. Đóng cửa, chỉ số MXV- Index tăng 1,33% lên mức 2.229 điểm.
Lực mua mạnh mẽ quay lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới |
Giá kim loại quý tăng bất chấp số liệu CPI “nóng” hơn dự báo
Phiên giao dịch hôm qua, thị trường kim loại khởi sắc sau phiên giảm mạnh trước đó. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng 1,86%, đạt 31,24 USD/oz, trong khi bạch kim phục hồi gần 2%, lên mức 976,2 USD/oz, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp.
Hôm qua, thị trường kim loại hướng về báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Mỹ. Cụ thể, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong tháng 9, chỉ số CPI lõi của nước này tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai con số này đều cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo, làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng hạ lãi suất do lạm phát có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Tuy vậy, sau khi dữ liệu được công bố, một số quan chức Fed đã có bài phát biểu trấn an thị trường, kéo kỳ vọng Fed hạ lãi suất tăng lên. Công cụ FedWatch của CME Group cũng cho thấy thị trường đặt cược 80% Fed sẽ giảm 25 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 11, tăng từ 76% so với trước khi dữ liệu được công bố. Theo đó, tâm lý lạc quan này cũng thúc đẩy lực mua kim loại quý, hỗ trợ giá bạc, bạch kim đồng loạt tăng trong phiên hôm qua.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, diễn biến đáng chú ý nhất thuộc về giá kẽm LME khi mặt hàng này đã bật tăng hơn 2% lên mức 3.086,5 USD/tấn, dẫn dắt đà tăng của cả nhóm. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung bị đẩy lên cao là động lực chính hỗ trợ cho giá kẽm tăng trong phiên hôm qua.
Cụ thể, trong báo cáo cung - cầu công bố ngày hôm qua, nhóm nghiên cứu chì và kẽm quốc tế (ILZSG) đã cảnh báo rằng thị trường kẽm toàn cầu sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đáng kể vào năm nay, do tình trạng khan hiếm nguyên liệu thô buộc các nhà luyện kim phải giảm sản lượng kim loại tinh chế. Nhóm này đã điều chỉnh dự báo thị trường kẽm sẽ thiếu hụt 164.000 tấn trong năm nay, trái ngược với ước tính trước đó vào tháng 4 là thặng dư 56.000 tấn.
Về nguồn cung, sản lượng khai thác dự kiến sẽ giảm năm thứ ba liên tiếp trong năm nay. ILZSG cũng cho biết biên lợi nhuận tại các nhà máy luyện kẽm tại Trung Quốc, quốc gia có mạng lưới nhà máy luyện kẽm lớn nhất thế giới, đang dần bị thu hẹp và sản lượng kẽm tinh chế tại đây đang giảm với tốc độ nhanh hơn.
Thị trường nông sản diễn biến trái chiều
Theo MXV, trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường nông sản diễn biến giằng co và phân hóa. Trong đó, đáng chú ý, giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 12 quay đầu giảm gần 0,6%, xóa đi hoàn toàn mức tăng trong phiên trước đó. Thị trường đang trong nhịp điều chỉnh và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ hồi phục trở lại.
Trong Báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết doanh số bán ngô niên vụ 2024-2025 của nước này ở mức 22 triệu tấn trong tuần kết thúc ngày 3/10, giảm 27,4% so với tuần trước. Giao hàng ngô trong tuần báo cáo đạt mức 1,06 triệu tấn, giảm gần 10% so với tuần trước. Đây là yếu tố khiến đã khiến giá chịu sức ép.
Bên cạnh đó, thời tiết trong giai đoạn thu hoạch ở Mỹ và việc trồng ngô vụ 1 đang diễn ra ở Brazil vẫn tương đối thuận lợi. Thị trường đang theo dõi diễn biến mưa xuất hiện tại khu vực nào ở Nam Mỹ để đánh giá tình hình vụ mùa hiện tại. Điều này cũng gây áp lực lên thị trường vào hôm qua.
Ở chiều ngược lại với thị trường ngô, giá lúa mì đã tăng gần 1%, ghi nhận phiên thứ 4 liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh. Thị trường được hỗ trợ bởi những lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine cùng tình trạng khô hạn dai dẳng ở các khu vực sản xuất ngũ cốc trên thế giới có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lúa mì.
Các quan chức Ukraine cho biết một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga và khu vực Odesa. Phó Thủ tướng Ukraine cáo buộc Nga cố ý tấn công cơ sở hạ tầng cảng Biển Đen nhằm làm giảm xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, khiến nguồn cung ngũ cốc toàn cầu sụt giảm.
Ngày hôm qua, Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR) đã hạ dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2024-2025 của Argentina xuống còn 19,5 triệu tấn, từ mức 20,5 triệu tấn ước tính trước đó. Theo BCR, nhiều cánh đồng lúa mì đã không nhận được đủ lượng nước cần thiết trong giai đoạn phát triển quan trọng, khiến năng suất tiềm năng sụt giảm.