Luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng; tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù theo chủ chương, chính sách, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là chính sách hỗ trợ lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, NHNN triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, như chỉ đạo TCTD đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tăng cường hoạt động truyền thông, phổ biến về cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng bằng nhiều hình thức để người dân, doanh nghiệp hiểu và tiếp cận các chính sách, sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh triển khai một số chương trình tín dụng tiêu dùng.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế và trong nước từ cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023 diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều yếu tố tác động tiêu cực chưa từng có, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các TCTD triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu (vừa đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn để hỗ trợ kinh tế phục hồi, vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát...).
Cụ thể, ngành Ngân hàng đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; chỉ đạo các NHTM triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỷ đồng) từ nguồn lực của chính ngân hàng thương mại; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN để tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới; Ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng và Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, trong đó bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử và cho vay bằng phương tiện điện tử.
Bên cạnh đó, NHNN kịp thời tổ chức các Hội nghị chuyên đề tín dụng, các buổi làm việc với các cơ quan liên quan nhằm nhận diện các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đối với một số ngành, lĩnh vực; tiếp tục triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31…
Về lãi suất, từ đầu năm 2023 tới nay NHNN đã 04 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất (lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với một số ngành, lĩnh vực) với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các TCTD, yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh tín dụng thương mại, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục được tạo điều kiện, đẩy mạnh triển khai. Theo đó, đến 30/6/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2022 với hơn 6.677 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; trong đó, dư nợ các chính sách tín dụng thực hiện trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 19.090 tỷ đồng.
Như vậy, thời gian qua công tác điều hành cũng như việc thực hiện các giải pháp của NHNN được thực hiện theo hướng ngày càng tạo thuận lợi cho việc tiếp cận tín dụng và góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, về khung khổ pháp lý NHNN đã và đang hoàn thiện các văn bản để phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng; việc điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong từng thời kỳ; các giải pháp tăng khả năng tiếp cập tín dụng được thực hiện thường xuyên, cùng với các giải pháp đặc thù, cụ thể tháo gỡ cho nhiều ngành, lĩnh vực, thể hiện tinh thần chia sẻ, đồng hành của NHNN và ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song tín dụng nền kinh tế 06 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.
Do đó, trong những tháng còn lại của năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế. Bên cạnh các giải pháp của NHNN và ngành ngân hàng, rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp, triển khai của các bộ, ngành, địa phương sự vào cuộc của các Hiệp hội, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động... nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hoàn thành cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.