M&A ngành Y vượt “cơn gió ngược”
Một trong số đó có thể kể đến kênh mua bán bệnh viện. Thomson Medical Group, công ty của tỉ phú Peter Lim (Singapore), đang đàm phán nâng cao để mua cổ phần kiểm soát tại Bệnh viện FV tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện thông tin chi tiết chưa được tiết lộ nhưng trong hồ sơ gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Singapore, Thomson Medical cho biết công ty “đang trong các cuộc thảo luận bí mật sơ bộ để khám phá một giao dịch tiềm năng”.
Năm ngoái, Bloomberg News cho biết Quỹ Quadria Capital- cổ đông lớn của Bệnh viện Pháp Việt này đang tìm cách bán cổ phần của mình với số tiền thu về khoảng 300-400 triệu USD. Các chủ sở hữu khác của Bệnh viện FV, bao gồm cả người đồng sáng lập và giám đốc điều hành Jean-Marcel Guillon, có thể bán một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình trong thương vụ lần này.
Trước đó, một thương vụ M&A y tế khác đã diễn ra khi Quỹ đầu tư GIC rót đến 30 triệu USD vào Chuỗi phòng khám Nhi đồng 315. Hệ thống khám chữa bệnh này đang có khoảng 60 phòng khám nhi (gồm cả sản) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Nguồn vốn huy động được sẽ được dùng để đầu tư mở rộng các dịch vụ chăm sóc, phòng khám và bệnh viện trên toàn quốc. Một số thương vụ M&A lớn thời gian qua còn có GIC đầu tư 204 triệu USD vào Vinmec 2020, Quỹ VinaCapital đầu tư vào bệnh viện Thu Cúc, CVC mua 60% cổ phần trong bệnh viện Phương Châu, Kei Mei Kai đầu tư vào Bệnh viện Hoàn Mỹ...
Có thể thấy các tài sản y tế và chăm sóc sức khoẻ luôn nằm trong số các đích nhắm của giới đầu tư, kể cả trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Theo giới chuyên môn, loại tài sản được các nhà đầu tư chiến lược nhắm đến là các bệnh viện đa khoa tư nhân có tỷ suất lợi nhuận cao, dòng tiền lành mạnh và có chiến lược mở rộng thị trường nhanh chóng và bài bản; Đặc biệt là các tài sản ở phân khúc trung bình và cao cấp với chất lượng dịch vụ tương đương tiêu chuẩn quốc tế có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân vốn trước đây thường phải ra nước ngoài điều trị. Ngoài các thành phố lớn, các nhà đầu tư nước ngoài gần đây cũng hướng tới các đô thị cấp 2 và 3 tiềm năng đi cùng xu thế đô thị hoá.
Trong tương lai kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển và dân số già đi, nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng tăng lên đáng kể. Tầng lớp trung lưu đang phát triển ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn, kéo theo nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng. Đây là điều kiện lý tưởng để thị trường bệnh viện tăng trưởng. Theo ước tính của Hãng nghiên cứu thị trường TECHSCI Research, thị trường đầu tư bệnh viện Việt Nam sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ổn định ở mức 6,20% với đạt quy mô 11,228 tỷ USD vào năm 2028.
Nhưng thị trường khám chữa bệnh Việt Nam đang khá phân mảnh. Cả nước có tới 1.531 bệnh viện, trong đó 86% là bệnh viện công và 14% là bệnh viện tư nhân, chủ yếu tập trung ở các khu vực đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.
Theo Hãng tư vấn Dezan Shira & Associates, các bệnh viện Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức quan trọng. Hầu hết các bệnh viện công trong nước đều được xây dựng cách đây ít nhất hơn hai thập kỷ và cần được nâng cấp cả về vật chất, trang thiết bị và dịch vụ. Khoảng trống này đang tạo cơ hội cho đầu tư nước ngoài trong xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và đào tạo nghề.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều thương vụ M&A, với nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua một lượng lớn cổ phần trong các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chiến lược đầu tư này tạo điều kiện tiếp cận thị trường thuận tiện hơn. Đối với các công ty trong nước, bắt tay với đối tác ngoại mang đến nhiều cơ hội hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời các doanh nghiệp nội địa cũng có cơ hội học hỏi thêm kiến thức chuyên môn và thông lệ quản trị tốt nhất, cũng như khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài.
Các bệnh viện tư cũng nhanh chóng tận dụng lợi thế của sự thay đổi về công nghệ để nâng tầm chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đó là một xu thế tiềm năng vì hiện nay bệnh nhân có thu nhập cao hơn thường sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại và chất lượng cao. Việc kết hợp các phòng khám truyền thống với các dịch vụ tư vấn sức khoẻ thông qua công nghệ như ứng dụng (App), khám trực tuyến hay áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hoàn thiện dải dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, mang đến lợi nhuận vượt trội.