“Ma trận” gọi vốn đa cấp thời 4.0
Cẩn trọng với nhiều mô hình biến tướng
Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến “Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Nhận diện những biến tướng mới”, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết: Trước tình trạng biến tướng từ hoạt động đa cấp trong nhiều năm gần đây, các cơ quan chức năng đã nỗ lực kiểm soát và xử lý. Từ năm 2015 đến nay, có 49 DN đã bị xử lý, thu hồi giấy chứng nhận, chấm dứt hoạt động. Hiện chỉ có 21 DN được cấp giấy chức nhận hoạt động trong lĩnh vực bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng trở nên rất phức tạp. Cụ thể như về hình thức huy động vốn, theo ông Tuấn, nếu trước đây, chỉ thông qua mua cổ phần, huy động vốn, mua phân quyền kinh doanh, nhưng hiện nay có nhiều hình thức khác như đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, dự án… Đặc biệt còn có hiện tượng phát triển các sàn thương mại điện tử, khoá học online…
Các hình thức đa cấp biến tướng ngày càng tinh vi và phức tạp |
Bên cạnh đó, cách thức hoạt động cũng thay đổi đáng kể. Khi trước đây là thuê địa điểm, khách sạn kêu gọi người tham gia. Nhưng hiện với sự phát triển của mạng xã hội như zalo, facebook… đã chuyển sang họp online, thậm chí lập nhóm kín để hoạt động, rất khó phát hiện.
Cũng thông tin về những biến tướng gọi vốn theo hình thức đa cấp, thiếu tá Bùi Thế Ngọc - Phòng điều tra án Công nghệ cao, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: Có hình thức mới xuất hiện đó là từ tiền của người tham gia sẽ được đổi thành điểm. Mỗi một kỳ, một tuần hoặc tháng, điểm này được nhân lên. Người dân thấy điểm nhân lên tưởng lãi, thực ra không phải. Người chơi càng đông, tiền càng lớn thì website đó có thể bị sập. Các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh ngày càng nhiều, kêu gọi nhiều người dân tham gia.
Khi cảm thấy không có tính thanh khoản nữa thì các đối tượng nước ngoài rút về nước, để lại người Việt. “Khi cơ quan điều tra nhận được đơn và phát hiện ra thì số lượng người bị lừa rất nhiều, tiền bị chiếm đoạt rất lớn, thiệt hại hết sức nặng nề”, ông Ngọc cho biết thêm.
Trước tình trạng nở rộ các sàn giao dịch forex, các sàn môi giới giao dịch ngoại hối, cặp tỷ giá, tiền điện tử, kim loại trong thời gian gần đây, ông Đào Xuân Tuấn - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Theo các quy định hiện hành của pháp luật, chỉ có tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối được thực hiện cung ứng dịch vụ mua, bán ngoại tệ và thực hiện dịch vụ phái sinh trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế. Hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối là hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải được NHNN cấp phép.
“Cho đến nay, NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ một sàn forex nào tại Việt Nam. Do vậy, hoạt động của sàn forex tại Việt Nam là vi phạm pháp luật. Việc người dân tham gia vào các sàn giao dịch forex bất hợp pháp là hành vi vi phạm quy định của pháp luật”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Tuấn cũng cho biết, NHNN đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên tham gia vào các giao dịch sàn forex để tránh rủi ro, thiệt hại về kinh tế, bởi lẽ hoạt động này không được pháp luật bảo vệ nếu có xung đột, tranh chấp xảy ra.
Cần thêm những quy định chặt chẽ hơn
Theo ông Đào Xuân Tuấn, về phía NHNN, sàn giao dịch điện tử đang thực hiện trên không gian mạng, vì vậy để phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động này cần có sự phối hợp phát hiện và xử lý kịp thời của cơ quan chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công thương...
Ông Tuấn cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công an và Cơ quan cảnh sát điều tra các tỉnh, thành phố đã trao đổi với NHNN đề nghị cung cấp khung pháp lý có liên quan nhằm phục vụ công tác xác minh, điều tra các vụ án về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động của các sàn forex trên không gian mạng.
Đồng thời, NHNN cũng đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị có biện pháp quản lý các sàn giao dịch này. Bên cạnh đó, NHNN đã chủ động chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng để thanh toán cho các giao dịch bất hợp pháp. Trong đó bao gồm thanh toán cho hoạt động của sàn forex.
“Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp thanh toán bất hợp pháp cho hoạt động sàn giao dịch forex trái phép. Đồng thời, NHNN sẽ ngày càng hoàn thiện các quy định quản lý chặt chẽ hơn”, ông Tuấn chia sẻ.
Còn theo LS. Đỗ Anh Tú - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cần thắt chặt quản lý để ngăn chặn những mô hình đa cấp biến tướng. Bởi lẽ, dù có quy định hay không, thì nhu cầu của các nhà đầu tư khi có lợi nhuận, họ sẽ vẫn làm. Điều này đẩy sang góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, báo chí tuyên truyền cho người dân chủ động phòng ngừa.
Về tầm nhìn dài hạn, ông Tú cho rằng cơ quan quản lý cần có nhìn nhận rõ ràng, quy định chặt chẽ để quản lý được tốt.
“Nên có quy định cụ thể về đa cấp, forex, tiền ảo. Như các quốc gia Singapore, Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc về công nghệ quản lý các hoạt động này”, ông Tú nhấn mạnh.
Về phía Bộ Công thương, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cho biết: Vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025, trong đó có hoạt động tuyên truyền phổ biến nội dung này đến những đối tượng dễ bị lôi kéo, như sinh viên, người già…
Đặc biệt, trong năm 2020, Bộ Công thương đã ký quy chế phối hợp với Bộ Công an, trong đó có việc phối hợp trao đổi thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Ở địa phương, Bộ Công thương cũng chỉ đạo các Sở Công thương xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan liên quan ở địa phương như thuế, hải quan, quản lý thị trường, công an… trình UBND phê duyệt. Hầu hết các địa phương đã ban hành quy chế này, nếu có phát hiện về những hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng sẽ xử lý rất nhanh.