Mạng lưới ngân hàng số phát triển nhanh
Từ đầu năm 2023 đến nay, NamABank đã được NHNN chấp thuận và đưa vào hoạt động 3 điểm giao dịch ngân hàng số tự động OneBank. Tính đến hiện nay, mạng lưới OneBank của NamABank đã đạt con số gần 100 điểm giao dịch trên toàn quốc.
Với mô hình ngân hàng tự động, khách hàng của ngân hàng có thể thực hiện hầu hết các giao dịch tự động, bao gồm mở tài khoản, nộp rút tiền, chuyển tiền thông qua quét mã QRCode, thanh toán thẻ, thanh toán hóa đơn; thậm chí khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng phát hành thẻ ghi nợ nội địa (ATM) ngay tại điểm giao dịch tự động mà không cần tới trụ sở ngân hàng.
Các NHTM như TPBank, MB, Agribank, Techcombank, VPBank, KienlongBank, BacABank… thời gian qua đều đầu tư mạnh mẽ cho mảng công nghệ ngân hàng tự động thay thế cho mở rộng mạng lưới truyền thống. Chẳng hạn, tính đến hiện nay, hệ thống LiveBank của TPBank không chỉ thực hiện thanh toán, còn in thẻ, mở tài khoản trực tuyến tại các máy ngân hàng tự động. Hệ thống này, ngoài việc tích hợp các tính năng thanh toán trực tuyến cũng đã triển khai cho vay tiêu dùng tín chấp trên môi trường điện tử đối với hàng trăm nghìn lượt khách hàng.
Tại KienlongBank, với việc mở rộng địa bàn về khu vực nông thôn, ngân hàng này đã lắp đặt nhiều máy giao dịch tự động thế hệ mới STM giúp khách hàng giao dịch qua ứng dụng mobile banking mà không cần thẻ ATM nhựa truyền thống. BacABank cũng đã chính thức vận hành mô hình kiosk banking tại Hà Nội, TP.HCM giúp khách hàng giao dịch ngân hàng tự động mà không cần phải đến các chi nhánh, phòng giao dịch.
Giao dịch ngân hàng tự động đang được nhiều ngân hàng phát triển |
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay các máy ATM thế hệ mới đều tích hợp những tính năng như cho phép khách hàng thanh toán hóa đơn, nạp tiền trực tiếp và thực hiện các giao dịch như đăng ký tài khoản, đăng ký khoản vay... Chẳng hạn, hệ thống R-ATM lần lượt đã được các ngân hàng VPBank, Agribank, Techcombank, VietinBank áp dụng với hạn mức nộp tiền đến 100 triệu đồng/giao dịch và có thể theo dõi phát hiện tiền giả, tiền kém chất lượng. Hệ thống smartbank của MB hiện đã có thể giúp khách hàng đăng ký tài khoản, rút nộp, chuyển tiền và phát hành nhanh các thẻ tín dụng không phải thông qua trụ sở, phòng giao dịch.
Tiến đến phổ cập không tiền mặt
Theo ông Vũ Thành Trung, thành viên Ban điều hành MB, với tốc độ phát triển nhanh của hạ tầng thanh toán số, hiện tỷ trọng giao dịch thông qua các kênh số của ngân hàng đã đạt trên 95%. Trong năm nay, MB sẽ tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ trên App MBBank bao gồm các loại thẻ Hi Collection, Mini App Marketplace, thanh toán tiện ích trên Wealth Management; tiến tới “phủ xanh” VietQR nhằm phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các khách hàng.
Tương tự, lãnh đạo KienlongBank cho biết, chi phí để đầu tư cho một máy STM thấp hơn nhiều so với chi phí để mở một phòng giao dịch theo mô hình ngân hàng truyền thống. Việc phát triển hệ thống máy STM sẽ rất phù hợp để mở rộng mạng lưới kỹ thuật số cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, việc tích hợp các giải pháp ngân hàng trên các nền tảng ngân hàng số sẽ cho phép ngân hàng này mở các “chi nhánh 4.0” trong lòng các chi nhánh truyền thống, từ đó phát triển các dịch vụ mới, phù hợp với nhu cầu của từng địa bàn. Ngoài ra, máy STM cũng có thể triển khai trong các lĩnh vực dịch vụ công, dịch vụ hàng không, bất động sản, y tế, bảo hiểm. Do đó, khả năng phát triển các dòng máy giao dịch tự động này sẽ thúc đẩy nhanh chóng hoạt động số hóa nền kinh tế và hoàn thiện chính phủ điện tử.
Về phía cơ quan quản lý, hiện nay NHNN đã có văn bản yêu cầu các NHTM, các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phối hợp với các đơn vị chấp nhận thanh toán (như điện, nước, dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử, siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm...) để duy trì các chính sách ưu đãi về phí dịch vụ khi doanh nghiệp, người dân thanh toán trực tuyến.
Theo đó, số lượng và giá trị thanh toán không sử dụng tiền mặt tại các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh đều đã tăng trưởng rất mạnh. Theo Vụ Thanh toán (NHNN), so với cùng kỳ năm ngoái, 3 tháng đầu năm 2023 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,5% về số lượng. Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng hơn 88% về số lượng và 7,4% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,5% về số lượng và 13,3% về giá trị. Phương thức thanh toán qua quét mã QR code bằng điện thoại thông minh hiện được người dân sử dụng khá phổ biến đã tăng trưởng vượt bậc với 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị. Trong khi đó, giao dịch qua ATM phần rút tiền mặt đã giảm 2,73% về số lượng và 4% về giá trị.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục cải cách cơ chế chính sách để thúc đẩy các TCTD tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Vì thế hoạt động mở rộng và lan tỏa các mô hình ngân hàng số, thanh toán số được kỳ vọng sẽ tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ trong các tháng cuối năm.