Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 tăng 3,98% so với cùng kỳ, bình quân 2 tháng tăng 3,67%; lạm phát cơ bản tăng 2,84%; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; Ngân hàng Nhà nước thực hiện giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tập trung thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Trong đó, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và thực hiện mục tiêu CSTT. Trước và sau Tết Nguyên đán, vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng đảm bảo yêu cầu dự trữ bắt buộc và có dư thừa. Từ đầu tháng 2 đến nay, tiếp tục thực hiện chào mua có kỳ hạn giấy tờ có giá hàng ngày qua nghiệp vụ thị trường mở với khối lượng, kỳ hạn phù hợp, đồng thời chủ động tăng khối lượng chào mua giấy tờ có giá để phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ dịp Tết Nguyên đán. Hiện, thanh khoản hệ thống dồi dào, thị trường tiền tệ ổn định, hoạt động thông suốt, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp.
Điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 khoảng 15% và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, thực hiện giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và thông báo nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2024 để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình thực tế để chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống.
Tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp; tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế; yêu cầu tổ chức tín dụng công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của các tổ chức tín dụng.
Về điều hành tỷ giá, từ đầu năm 2024 đến nay, tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều, phù hợp với điều kiện thị trường: (i) Tỷ giá chịu áp lực tăng, một trong các nguyên nhân là nhu cầu ngoại tệ đầu năm tương đối lớn để nhập khẩu nguyên vật liệu; (ii) Đầu tháng 2/2024, tỷ giá có xu hướng giảm với nguồn cung ngoại tệ thuận lợi trước Tết theo yếu tố mùa vụ và tăng trở lại sau Tết Nguyên đán trước áp lực của đồng USD. Về cơ bản, cân đối cung cầu ngoại tệ duy trì tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD. NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống ATM nhìn chung hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tình hình ATM dịp Tết năm nay tiếp tục không xảy ra tình trạng quá tải như các năm trước đây, tuy nhiên ứng dụng của một số ngân hàng gặp lỗi, quá tải dịp giáp Tết Nguyên đán ở một số thời điểm. Điều này khẳng định nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi thói quen sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt (đặc biệt là phương thức chuyển khoản qua ứng dụng trên điện thoại di động).
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Đến cuối tháng 12/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55%. Trong năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 266,87 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tình hình kinh tế xã hội 02 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, chuyển biến tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển cả năm. |