Mặt bằng trung tâm thương mại bỏ trống hàng loạt
Thương hiệu dần “dứt áo ra đi”
Theo báo cáo từ CBRE Việt Nam, đến cuối năm 2020, nguồn cung mặt bằng bán lẻ của Hà Nội đạt 1.050.000m2, tăng 4% so với năm 2019. Tuy nhiên, tại khu vực trung tâm, tỷ lệ trống tăng 12,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 14,3%, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Có thể thấy, kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, thị trường cho thuê mặt bằng đã bị ảnh hưởng nặng nề, từ những khu phố “đất vàng” cho tới các trung tâm thương mại lớn, nhỏ. Khách du lịch không có nhiều, người dân cũng hạn chế ra ngoài vui chơi, mua sắm khi dịch bùng phát, lại chỉ tập trung vào mua những vật dụng thiết yếu đã khiến cho cả người bán, người sản xuất lao đao.
Mặt bằng bỏ trống tại một trung tâm thương mại |
Ghi nhận trong thực tế, tại một số trung tâm thương mại tại quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, hàng loạt mặt bằng đang bị bỏ ngỏ, các thương hiệu lớn nhỏ đang lần lượt ra đi, số còn lại đa phần đều trong tình trạng ế ẩm, ít khách lui tới.
Tại một trung tâm thương mại trên địa bàn quận Thanh Xuân, có khoảng 80% mặt bằng tại đây đang bỏ trống. Nhiều gian hàng chiếm vị trí nổi bật nhìn ra mặt đường, tuy nhiên chủ cửa hàng cũng đang ngán ngẩm vì ế khách. Theo nhiều chủ cửa hàng, kể từ tháng 3/2020, nhiều thương hiệu tại đây đã phải xả hàng để trả mặt bằng do kinh doanh ế ẩm, số lượng khách ra vào mỗi ngày đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó, chi phí nhân viên, mặt bằng quá lớn. Ngay cả các thương hiệu lớn, từ ngành hàng thời trang đến thực phẩm đều không trụ lại được.
Những cửa hàng còn hoạt động hiện tại đã cắt giảm phần lớn nhân viên, hầu hết tại khu bán hàng chỉ có một người để trông hàng. Một số cửa hàng ăn uống không có khách, cả ngày nhân viên chỉ dọn dẹp và chờ đợi khách hàng. Cùng với đó là hàng loạt biển hiệu giảm giá được đặt trước cửa nhà hàng nhưng vẫn không giúp tình hình khả quan hơn. Nhiều nhân viên lo lắng sẽ mất việc vì chủ cửa hàng không còn nguồn lực để chi trả.
Tại tòa nhà, các chi phí cũng được giảm xuống triệt để. Một số thang máy, thang cuốn đã dừng hoạt động. Vào những ngày hè nóng bức, nhiều người dân xung quanh còn bắt đầu tận dụng không gian của trung tâm thương mại để tập thể dục!
Cô Nguyễn Thị Hồng (71 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Bình thường, nhiều người dân xung quanh vẫn đến đây để mua sắm, ăn uống, giải trí. Nhưng kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khách lui tới rất ít. Cho đến thời điểm này, các cửa hàng đã trao trả mặt bằng gần hết và mọi thứ đều bị bỏ trống. Vì thế chúng tôi đã đi bộ thể dục quanh tầng hai để tránh khói bụi ngoài đường, không gian cũng thoải mái, mát mẻ”.
Ghi nhận tại một trung tâm thương mại khác trên địa bàn quận Cầu Giấy, dù nhiều gian hàng vẫn đang sáng đèn nhưng khách ra vào cũng không cao. Nhiều nhãn hiệu cũng phải tạm thời đóng cửa và chưa rõ ngày mở lại. Các khu vực ăn uống ngày thường luôn là những nơi tập trung đông người nhất, giờ cũng trở nên vắng tanh.
Nhiều ki ốt tại chợ bị bỏ trống
Không chỉ tại các trung tâm thương mại, các ki ốt tại một số chợ lớn của Hà Nội cũng trong tình trạng bỏ trống. Không còn những dòng người tấp nập mua bán, nhiều tiểu thương đã trả lại mặt bằng hoặc sang nhượng ki ốt. Theo ban quản lý một số chợ, tuy đã giảm giá thuê thấp hơn nhiều so với thời điểm trước dịch nhưng tình trạng bỏ trống mặt bằng vẫn tiếp diễn trong gần một năm qua. Ngay cả với những gian hàng nằm ở các vị đắc địa tại tầng 1 cũng gặp phải tình cảnh khốn đốn. Đặc biệt trong những ngày gần dây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân đã không còn nhu cầu mua sắm như trước. Nhiều chủ ki ốt đã chuyển sang phương thức bán hàng trực tuyến. Chị Nguyễn Thị Huyền - chủ một ki ốt tại trung tâm thương mại Hàng Da cho biết: “Đã từ nhiều tháng nay, không còn ai đến chợ mua sắm, chúng tôi lo lắng vì tiền mặt bằng đã đặt cọc cả năm rồi. Đến nay chỉ còn biết chờ đợi, mong dịch sẽ qua đi để việc mua bán có thể khởi sắc hơn”.
Còn với chị Lê Thị Hoài - chủ ki ốt tại đây đã bắt đầu cất quần áo, dọn hàng vào trong từ lúc 3 giờ chiều vì cả ngày không thấy bóng người mua. Chị tâm sự: “Ngày nào cũng mong khách đến nhưng chẳng thấy người nào qua lại cả. Cuộc sống của chúng tôi trở nên khó khăn hơn, hàng về mà không bán đi được”. Hết năm 2021, chị Hoài sẽ hết hợp đồng thuê ki ốt tại đây, nếu việc mua bán không thể thuận lợi, chị sẽ không thể gánh được tiền mặt bằng trong những năm tiếp theo.
Tại một số chợ khác trên địa bàn Hà Nội, tình hình kinh doanh cũng không khả quan hơn. Hàng loạt ki ốt đã bị bỏ trống gần một năm nay. Theo các chuyên gia, diễn biến thị trường mặt bằng cho thuê sẽ tiếp tục bất định, phụ thuộc vào dịch bệnh. Thay vì ngồi chờ khách hàng, các hộ kinh doanh nên nhanh chóng chuyển sang các phương thức tiếp thị, bán hàng trực tuyến. Đó là một kênh mua sắm an toàn, tiện lợi trong bối cảnh hiện nay.