Mất GPLX phải thi lại: Vấn đề của quản lý?
Một trong những giải pháp Bộ trưởng đưa ra lập tức gây tranh cãi, đó là đề xuất "tất cả những người mất GPLX phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3".
Ảnh minh họa |
Sao lại “đẩy cái khó cho dân”?
Ngay trong phiên giải trình, sau đề xuất của người đứng đầu ngành GTVT, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, ông cảm thấy "khá bất ngờ và phân vân, băn khoăn".
Theo ông Hòa, việc chỉ lấy một ít số người vi phạm để đề xuất áp dụng chung cho tất cả mọi người bị mất GPLX đều phải thi lại sẽ không hợp lý, dễ dẫn đến tiêu cực, phiền hà.
Đưa ra quan đểm về đề xuất của Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bày tỏ, quy định mất GPLX phải thi lại là không nên.
Ông Quyền cho biết, trước đây đã có quy định, khi mất GPLX thì người mất phải chờ 1 tháng (kể từ ngày nộp đơn trình báo mất và xin cấp lại) để lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh xem mất thật hay do vi phạm bị lực lượng chức năng thu giữ bằng lái. Tuy nhiên, sau đó cải cách hành chính cho rằng, quy định này gây phiền hà, khó khăn cho người dân, nên đã bãi bỏ.
"Bây giờ, lại đưa ra đề xuất các trường hợp mất GPLX đều buộc phải thi lại để cấp mới sẽ rất khó cho những người bị mất thực sự, trong khi vừa bị mất tài sản, giấy tờ thì lại bị làm khó là học lại. Để cấp lại GPLX sẽ phát sinh chi phí không cần thiết về mặt thời gian và kinh phí", ông Quyền bày tỏ.
Cũng theo ông Quyền, nếu vấn đề mấu chốt trong quản lý GPLX hiện nay là bất cập không cập nhật đầy đủ và kịp thời về các trường hợp vi phạm, thì phải chỉnh đốn lại khâu này. Không thể vì vậy mà đẩy phần khó về cho người dân.
Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý
Từ những năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…”.
Bản thân ngành GTVT cũng đã có rất nhiều đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý phương tiện và lái xe. Tuy nhiên việc các tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trong xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong việc quản lý phương tiện cơ giới đường bộ và công tác đào tạo sát hạch quản lý lái xe.
Trở lại câu chuyện về đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT liên quan đến công tác cấp đổi GPLX, nếu xét về mặt quản lý, trong thực tế thì hệ thống lưu và quản lý hồ sơ từ đào tạo, thi cử, cấp bằng nếu được điện tử hóa, lưu trữ điện tử thống nhất dữ liệu và liên thông giữa các cơ quan, đơn vị, các tỉnh thành để việc truy cập, tra cứu và cập nhật hiện trạng hồ sơ và những vi phạm một cách dễ dàng, thuận tiện hơn thì việc quản lý cấp đổi GPLX sẽ trở thành đơn giản.
Công nghệ sẽ là giải pháp tối ưu để thực hiện bài toán quản lý GPLX, quan trọng là cơ quan quản lý Bộ GTVT có muốn triển khai hay không và triển khai nhanh hay chậm để có thể tạo thuận lợi cho người dân.