Mất rừng, do đâu?
Hàng ngàn hecta đất rừng khó có khả năng thu hồi để tái sinh rừng |
Buông lỏng quản lý
Những năm qua, chỉ tính riêng tại Đăk Lăk có đến 50.975ha rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trong suốt một thời gian dài nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp để giải quyết dứt điểm và thu hồi đất để tái sinh rừng. Trong đó, diện tích bị tàn phá, lấn chiếm trước năm 2008 hơn 24.503ha, từ năm 2008 đến nay khoảng 26.471ha. Việc cưỡng chế để thu hồi và trồng mới rừng trên diện tích đất này đang rơi vào bế tắc, như đang thách thức chính quyền và các ngành chức năng địa phương này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân để mất một diện tích rất lớn về rừng và đất rừng; bị người dân xâm canh, xâm lấn dẫn đến mất rừng là do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý trong giao khoán quản lý rừng cho các lâm trường, DN trên địa bàn.
Trong khi, các lâm trường vừa yếu về năng lực quản lý, vừa thiếu ý thức trách nhiệm dẫn đến việc quản lý rừng rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Sau khi nhận được quyết định giao khoán quản lý rừng từ chính quyền địa phương, các lâm trường, DN lại lơ là trong việc bảo vệ rừng do đó việc mất rừng, mất đất rừng là điều không thể tránh khỏi.
Đơn cử, ngoài diện tích đất lâm nghiệp được UBND tỉnh Đăk Lăk cho thuê trồng cao su, rừng nguyên liệu trên địa bàn huyện Ea H’leo (Đăk Lăk) còn 8 DN nhận khoán quản lý và bảo vệ, với tổng diện tích 2.452,98ha rừng tự nhiên. Có 3 DN nhận khoanh nuôi và bảo vệ nhiều diện tích rừng.
Công ty TNHH Kim Huỳnh (xã Ea Tir) 750ha, CTCP Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Việt 625,2ha, Công ty TNHH Tân Tiến 546,4ha… Những DN, lâm trường còn lại được giao khoán quản lý từ 70 đến trên 100ha rừng tự nhiên.
Tuy nhiên, sau khi nhận rừng, các DN không thực hiện đúng như cam kết ban đầu, mà buông lỏng quản lý bảo vệ rừng, để người dân tự do vào chặt phá lấy gỗ làm trụ tiêu, xâm chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy khiến diện tích rừng bị suy giảm nghiêm trọng.
Theo kết quả kiểm tra, rà soát việc các DN thuê đất trồng cao su, nhận quản lý bảo vệ rừng năm 2016 của cơ quan chức năng, 8 DN nói trên để người dân vào chặt phá, xâm hại 439,18ha/2.452,98ha rừng. Cụ thể, Công ty TNHH Kim Huỳnh bị suy giảm 135,88ha trong tổng số 750ha rừng, đất rừng do DN nhận quản lý; Công ty TNHH Tân Tiến có 46,5ha/546,4 ha bị suy giảm, CTCP Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Việt suy giảm 48,5ha/625,2ha.
Không riêng các DN kể trên, những DN còn lại cũng để xảy ra tình trạng người dân vào chặt phá, xâm chiếm rừng. Điều đáng nói, mặc dù để mất rừng, mất đất rừng trong suốt một thời gian dài song chưa có đơn vị, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm, xử lý kỷ luật.
DN bỏ cây rừng
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến thực trạng mất rừng, mất đất rừng là do các DN được giao quản lý rừng chưa bố trí lực lượng bảo vệ rừng đủ mạnh để quản lý chặt lâm phần. Việc phối hợp giữa DN nhận quản lý rừng với chính quyền địa phương, ngành chức năng để kiểm tra, phát hiện vi phạm về lâm luật không thường xuyên, kém hiệu quả. Đối tượng phá rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, dân di cư tự do khó khăn, thiếu đất sản xuất, sống dựa vào rừng là chính.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc giá cả một số mặt hàng nông sản như hồ tiêu, điều, sắn… tăng cao nên nhiều người bất chấp luật pháp đổ xô phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu, xâm canh chiếm đất canh tác trái pháp luật để thu lợi. Chính yếu tố này tạo áp lực lớn lên các DN nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.
Đa phần DN chỉ quan tâm đến việc trồng, chăm sóc diện tích cao su, còn diện tích rừng nhận khoán quản lý thì buông lỏng. Vai trò của kiểm lâm phụ trách địa bàn, chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về rừng còn mờ nhạt, hiệu quả kém.
Nói về cái khó của ngành quản lý rừng, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk phân trần, công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian qua mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến mất rừng, đất rừng bị lấn chiếm.
Nguyên nhân do việc khai thác, buôn bán lâm sản trái phép mang lại lợi nhuận cao; hàng vạn hộ dân sống xung quanh rừng có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập phụ thuộc nhiều vào rừng; nhiều DN, Ban quản lý rừng và các chủ rừng thiếu lực lượng, phương tiện không đủ mạnh để trấn áp lâm tặc; một số chủ rừng thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý…
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk, để lập lại trật tự trong công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành xác định các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản, các tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép để tổ chức truy quét, ngăn chặn, xử lý; các đơn vị chủ rừng tập trung phân loại các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lập phương án cụ thể xử lý, giải tỏa, trồng phục hồi lại rừng; đề nghị công an tỉnh chỉ đạo lực lượng ở các địa phương lập chuyên án xử lý các đối tượng lâm tặc, đầu nậu, phần tử dung túng, tiếp tay cho phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán sang nhượng đất rừng trái pháp luật…
Để chấm dứt tình trạng xâm chiếm trái phép tài nguyên rừng giao cho các DN, chính quyền và các cơ năng tỉnh Đăk Lăk cần sớm khắc phục tình trạng yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Cùng với việc các ngành chức năng cần mạnh tay hơn trong thực thi pháp luật về bảo vệ rừng, tăng cường công tác điều tra làm rõ, quy trách nhiệm và kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm lâm luật, xử lý DN để mất rừng nhận khoán quản lý. Có như thế mới có thể thiết lập lại trật tự trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.