Mất rừng, xử lý cán bộ…
Các đối tượng lâm tặc và một bộ phận người dân xâm canh luôn rình rập xâm hại rừng bất cứ lúc nào. Trong khi nhiều cán bộ địa phương có nhiệm vụ bảo vệ rừng lại buông lỏng quản lý. Chính vì thế, cứ sau mỗi vụ phá rừng được phát hiện là hàng loạt cán bộ, nhân viên bị xử lý kỷ luật...
Hàng loạt vụ vi phạm lâm luật tại Gia Lai đã được đưa ra ánh sáng |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là đất rừng được chính quyền địa phương giao khoán cho các DN, lâm trường để thực hiện các dự án phát triển nông, lâm nghiệp, trồng rừng… Song các DN, lâm trường lợi dụng chính sách nhận đất, nhận rừng giao khoán để trục lợi hoặc buông lỏng công tác quản lý để người dân ngang nhiên phá rừng, xâm canh lấy đất sản xuất nông nghiệp.
Đơn cử, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được UBND tỉnh Gia Lai giao khoảng 9.000ha rừng và đất lâm nghiệp vào năm 2011. Tuy nhiên đến đầu năm 2017, sau khi thống kê, đo đạc diện tích được giao ban đầu chỉ còn khoảng 6.600ha; có nghĩa mất khoảng 30% diện tích.
Để che giấu trách nhiệm, khi làm mới và chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lãnh đạo ban cố ý bỏ ra ngoài hơn 1.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Dấu hiệu thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái của Ban quản lý và chính quyền một số địa phương liên quan đã được Công an tỉnh Gia Lai điều tra, làm rõ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai.
Cũng tại Gia Lai, trước những dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai từ năm 2001 - 2017, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã vào cuộc, thanh tra toàn diện việc chăm sóc, quản lý bảo vệ diện tích rừng trồng của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai giai đoạn 2001-2017.
Theo kết luận thanh tra, tổng diện tích rừng được đầu tư giao cho đơn vị 717ha (trồng rừng phòng hộ 572,7ha, trồng chăm sóc làm giàu rừng 144,3ha), với tổng số vốn đầu tư hơn 17 tỷ đồng. Từ năm 2001 đến năm 2015, Ban quản lý trồng và trồng làm giàu rừng trên diện tích 717ha được giao.
Tuy nhiên, qua kiểm tra tại thực địa của Thanh tra tỉnh Gia Lai, ngoài diện tích 77,7ha rừng trồng làm giàu của Ban quản lý bàn giao cho Công ty 715 để trồng cao su thì diện tích rừng còn lại tại thời điểm kiểm tra chỉ còn 279,2ha. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ năm 2001-2017, Ban quản lý để mất và cháy 360,1ha rừng. Dù để rừng bị lấn chiếm nhưng hàng năm, Ban quản lý không thống kê, báo cáo thực trạng tình hình và nguyên nhân mất rừng cho các cơ quan chức năng…
Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận, trong giai đoạn từ năm 2001 - 2017, Ban quản lý đã để rừng bị lấn chiếm, cháy 360,1ha, gây thiệt hại và lãng phí tài sản nhà nước tương ứng với số tiền lên đến hơn 12,4 tỷ đồng. Ban quản lý còn thực hiện giao khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trồng từ năm 2009 đến nay không đúng đối tượng theo quy định của pháp luật với tổng số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Trách nhiệm chính thuộc về các lãnh đạo Ban quản lý qua các thời kỳ…
Mới đây nhất, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cũng kỷ luật hàng loạt các cán bộ kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly để xảy ra mất rừng tại xã Ia Kreng (huyện Chư Pah). Đây là diện tích rừng thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly.
Theo đó từ tháng 11/2017 đến tháng 1/2018, cơ quan chức năng phát hiện 2 vụ phá rừng lớn tại xã Ia Kreng, với khối lượng gỗ thiệt hại hơn 164 m3. Trong đó, vụ thứ nhất xảy ra tại tiểu khu 221, 225 và 227, với khối lượng gỗ phát hiện khoảng gần 97m3, loại gỗ thuộc nhóm I - nhóm V.
Sau khi xác minh, điều tra, Công an huyện Chư Pah đề nghị truy tố Lê Công Hoàng, trú TP. Pleiku (Gia Lai) tội vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Có 17 đối tượng khác liên quan đến vụ phá rừng nhưng không đủ cơ sở xử lý hình sự nên cơ quan công an chuyển hồ sơ sang Chi cục Kiểm lâm đề nghị xử lý hành chính. Vụ thứ 2 xảy ra tại tiểu khu 226 với khối lượng gỗ xác định khoảng 68,4m3. Vụ việc này hiện Công an huyện Chư Pah vẫn đang tiến hành điều tra.
Hay như các vụ khai thác rừng trái phép trên địa bàn xã Kreng, UBND tỉnh Gia Lai cũng nhanh chóng vào cuộc chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Chư Pah, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly cùng các ban, ngành có liên quan tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân liên quan để xảy ra vụ việc nói trên.
Theo đó, các tập thể Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pah, UBND xã Ia Kreng và 3 cá nhân ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện; ông Rơ Châm Tâm, Chủ tịch UBND xã Ia Kreng và ông Phạm Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng bị phê bình kiểm điểm. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Tấn, kiểm lâm địa bàn xã Ia Kreng hình thức khiển trách.
Ngoài ra, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly kỷ luật với hình thức khiển trách đối với 7 viên chức thuộc ban. Hội đồng kỷ luật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xem xét kỷ luật Trưởng Ban và Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly với hình thức khiển trách.
Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Gia Lai sẽ góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý rừng; giảm thiểu số vụ phá rừng trên địa bàn trong thời gian đến.