Mặt trái của thương mại điện tử
Cùng với sự tăng trưởng ấn tượng, thương mại điện tử cũng có nhiều mặt trái |
Có nhiều bất cập
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam. Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ cả nước mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD thì đến năm 2023 đã chứng kiến sự đột phá vượt bậc khi quy mô thị trường này dự kiến đạt 20,5 tỷ USD. Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023, theo Statista).
Nhờ có thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua mọi sản phẩm hàng hóa từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thiết bị đồ dùng gia đình đến đồ công nghệ, điện tử, sách, hoa, quà tặng, thực phẩm... Tuy nhiên, trường hợp mua phải hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không phải hiếm.
Chị Bùi Thanh Thảo cho biết, chị quen sử dụng một loại mỹ phẩm với giá hơn 500.000 đồng/lọ nhưng thấy một sàn thương mại điện tử quảng cáo bán với giá chưa đầy 100.000 đồng/lọ, dù có nghi ngờ nhưng chị vẫn đặt mua với hy vọng sản phẩm nằm trong chương trình khuyến mãi, giảm giá. Thế nhưng sau khi nhận hàng, chị mới biết đây là hàng nhái.
Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Đơn cử, trong những tháng cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai và Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP. Pleiku) vừa kiểm tra và bắt giữ hàng hóa trong kho hàng của chủ tài khoản Facebook “Ngọc Quyên Gia Lai”. Tài khoản này thường xuyên livestream bán hàng giả, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày. Đây được xem là vi phạm trên môi trường thương mại điện tử có quy mô lớn nhất tại địa phương này.
Không riêng tại Gia Lai, tính chung trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, toàn lực lượng đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng.
Bên cạnh hàng giả, hàng nhái, hành vi trốn thuế, lách thuế trong thương mại điện tử cũng đang là một thách thức đối với ngành Thuế và các cơ quan chức năng. Hiện có một số cá nhân, tổ chức bán hàng trên sàn thương mại điện tử có sử dụng công cụ để làm tăng lượt giao dịch như một chiêu quảng cáo, làm giảm doanh thu để giảm số thuế phải nộp, thâm chí có doanh thu rất lớn nhưng chưa kê khai, đăng ký thuế...
Quản lý chất lượng, tránh thất thu thuế
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) chia sẻ, thông tin các sàn thương mại điện tử cung cấp vẫn chưa đầy đủ do trong một thời gian dài họ chưa phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác thường xuyên liên tục; cơ quan thuế gặp khó để quản lý đầy đủ các nguồn thu và các đối tượng kinh doanh không biên giới, không giới hạn về không gian, thời gian...
Tương tự, theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Các hành vi vi phạm trên không gian mạng rất tinh vi, phức tạp và đa dạng. Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hiệu lớn liên quan đến hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử... Bên cạnh đó, tình trạng rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị, phá sóng... thậm chí là ma túy, chất kích thích đã và đang diễn ra tràn lan.
Nhằm tạo nguồn ngân sách cũng như đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đề xuất xây dựng quy chế phối hợp liên bộ ngành trong cung cấp thông tin thương mại điện tử. Đồng thời, xây dựng quy trình quản lý thuế đặc thù để thuận lợi cho công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp là chủ sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp hoạt động trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán…
Theo các chuyên gia, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới nên phải xem đây là không gian như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Để làm được điều này cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời phát hiện, loại bỏ những sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử.