Mía đường: Doanh nghiệp bấp bênh vì không tự chủ được nguyên liệu
Để phát triển bền vững ngành mía đường Đâu là giải pháp căn cơ cho mía đường? |
Tăng trưởng lãi ròng cao nhất lịch sử
Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV niên độ 2022-2023 (từ 1/4/2023 đến 30/06/2023) với doanh thu đạt xấp xỉ 550 tỷ đồng, tăng 152% so với cùng kỳ năm trước.
Với biên lãi gộp cải thiện mạnh, doanh nghiệp này ghi nhận lãi ròng gần 225 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với kết quả thực hiện của năm ngoái. Nếu tính chung cả niên độ 2022-2023, lãi ròng của SLS đạt mức hơn 523 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà SLS đạt được từ khi đi cổ phần hóa (2008) đến nay.
Không chỉ SLS, đến cuối quý II/2023 hàng loạt doanh nghiệp lớn ngành mía đường đều có kết quả kinh doanh rất ấn tượng. Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) cho thấy, chỉ tính riêng quý II, doanh nghiệp này ghi nhận lãi ròng 712 tỷ đồng, tăng gấp hai lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả 6 tháng đầu năm, mức lãi ròng QNS đạt được chạm mốc trên 1.000 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ.
Không kém cạnh, báo cáo kết quả kinh doanh quý IV niên độ 2022-2023 của Công ty cổ phần Đường Kon Tum (KTS) cũng cho thấy mức lợi nhuận sau thuế tăng gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 24 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong vòng 25 quý trở lại đây của KTS (kể từ quý III/2017).
Với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh, giá cổ phiếu của các công ty ngành mía đường những tháng vừa qua cũng có sự “thăng hoa” tương ứng.
Theo đó, mặc dù đã ghi nhận giảm nhẹ trong các phiên giao dịch của tháng 8/2023, nhưng đến hiện nay, cổ phiếu SLS của Mía đường Sơn La vẫn tăng 42,23% trong một năm trở lại đây, đạt mức trên 200.000 đồng/cp, thuộc top những cổ phiếu đắt đỏ nhất trên sàn chứng khoán.
Tương tự, các cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi và KTS của Mía đường Kon Tum cũng có mức tăng trưởng khá mạnh, lần lượt đạt đỉnh 54.000 đồng/cp và 37.000 đồng/cp vào cuối tháng 7 vừa qua trước khi giảm nhẹ trong các tuần đầu tháng 8. Ngay cả cổ phiếu của các doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận kém khả quan như LSS (của Mía đường Lam Sơn) và SBT (của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa) cũng ghi nhận tăng tích cực. Thị giá của LSS đã tăng hơn 20% trong tháng 7/2023 và phục hồi gần 3 lần so với mức đáy tháng 11/2022, trong khi đó SBT tăng 11,5% trong vòng một tháng và hồi phục gần 90% từ vùng đáy tháng 11/2022…
Gần 2/3 nguyên liệu cho các nhà máy đường trong nước đang phụ thuộc vào nguồn đường thô nhập khẩu |
Bấp bênh lợi thế
Câu chuyện doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành mía đường như kể trên mặc dù được đánh giá là khá tích cực trong bối cảnh nhiều năm qua ngành này “sa lầy” vào thực trạng không cạnh tranh được về giá thành sản xuất đường mía so với hầu hết thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc hưởng lợi từ yếu tố giá đường cũng như các lợi thế về thuế nhập khẩu, thuế phòng vệ thương mại được nhiều chuyên gia cho rằng khá bấp bênh và ngắn hạn.
Theo các chuyên gia tại Công ty cổ phần chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trước mắt do các ảnh hưởng từ lệnh cấm xuất khẩu đường của Ấn Độ đến hết quý II/2024 sẽ khiến giá đường thế giới tiếp tục neo cao trong vài quý tới. “Việc nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 sẽ là cơ hội để các nhà máy đường duy trì lợi thế về giá. Mặc dù vậy, những lợi thế này chỉ mang ý nghĩa chu kỳ và khó duy trì trong dài hạn”, KBSV nhận định.
Ngoài ra, theo các chuyên gia ngành mía đường, thời gian qua Bộ Công thương áp dụng các mức thuế chống trợ cấp, chống bán phá, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với nhiều doanh nghiệp đường Thái Lan và các nước trong khu vực (áp dụng đến 2016). Vì thế, trong vài năm tới các nhà máy đường trong nước có cơ hội cạnh tranh tốt hơn.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt những lợi thế này, vấn đề đau đầu nhất của các công ty mía đường Việt Nam vẫn là phát triển vùng nguyên liệu tự chủ. Bởi đến hiện nay, việc phụ thuộc quá nhiều vào đường thô nhập khẩu vẫn luôn khiến các nhà máy đường bị động khi vào các vụ cung ứng đường cao điểm trong năm. Trong khi đó, diện tích trồng mía tại Tây Nguyên và ĐBSCL những năm qua liên tục sụt giảm. Đơn cử tại Hậu Giang và Trà Vinh, diện tích trồng mía đã giảm 7-10% so với năm trước do người dân chuyển qua trồng sầu riêng và các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.
Ở góc độ thương mại, theo các chuyên gia, lợi thế giá bán đường cao có thể sẽ không còn được duy trì dài hạn, nhất là đối với đường tiêu thụ nội địa, bởi thời gian qua, Bộ Tài chính đã đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
Trong khi đó, lợi thế từ việc tận dụng các chính sách thuế phòng vệ thương mại hầu như không có tác dụng đối với đường nhập lậu tiểu ngạch, nhất là đường lỏng (siro ngô) thời gian qua được ghi nhận tràn vào Việt Nam với số lượng rất nhiều và được các doanh nghiệp nước giải khát sử dụng.