Miền Trung nỗ lực thúc đẩy kinh tế xanh
Nói không với dự án gây ô nhiễm môi trường
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sự phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đang đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Theo nhiều nghiên cứu quốc tế, Việt Nam hiện là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, trong khi ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Trong bối cảnh đó, song song với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các địa phương trong khu vực miền Trung đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế xanh, hướng đến sự phát triển bền vững. Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, tỉnh rất chú trọng đến việc phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Hiện, Bình Định đang có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 7.000 ha. Bên cạnh đó, Bình Định còn có Khu kinh tế Nhơn Hội với diện tích hơn 14.300 ha… Theo đại diện Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, để hướng tới nền kinh tế xanh, đơn vị luôn đặt yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các dự án và nhà đầu tư. Các dự án được thu hút mới đều quy định phải sử dụng công nghệ sản xuất mới, thân thiện với môi trường…
Miền Trung đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. |
Cũng theo ông Lâm Hải Giang, để hướng tới phát triển bền vững, chúng ta cần có những chọn lựa đúng đắn trong quá trình phát triển. Lựa chọn đúng sẽ tránh được suy thoái môi trường và phí tổn để khắc phục hậu quả môi trường như nhiều quốc gia đã phải đối mặt. Với lợi thế đi sau, Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng hoàn toàn có thể phát triển theo hướng một nền kinh tế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Trong khi đó tại Quảng Nam, từ năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025 và nhiều chủ trương, chính sách về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch xanh. Đặc biệt, Quảng Nam là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh làm “kim chỉ nam” để ngành du lịch xứ Quảng hướng đến mô hình phát triển xanh, bền vững…
Ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng xanh hóa, hoạt động thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh trong những năm gần đây đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ về chủ trương, định hướng theo Nghị quyết số 50 ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị.
Quảng Nam xây dựng chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, “nói không” với các loại hình sản xuất phát thải lớn và những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện nghiêm việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, toàn bộ dự án trước khi cấp phép hoạt động đều phải bảo đảm thủ tục pháp lý về môi trường theo đúng quy định.
Cần huy động nhiều nguồn lực
Ở một địa phương còn khó khăn như Ninh Thuận, việc phát triển kinh tế xanh cũng đã được chú trọng. Cụ thể, địa phương đã xác định năng lượng tái tạo là lĩnh vực đột phá để tập trung chỉ đạo, thực hiện. Đồng thời, có nhiều cơ chế chính sách mới, tập trung vào các nhóm ngành đột phá, trụ cột, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, phát triển tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng…
Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, trong thời gian tới địa phương tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh, xanh hóa sản xuất... nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững…
Song song với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh các địa phương trong khu vực miền Trung đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế xanh, hướng đến sự phát triển bền vững. |
Tuy vậy, để thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững miền Trung cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, đội ngũ doanh nghiệp ở khu vực chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (97,8%); động lực tăng trưởng của khu vực đang có xu hướng dựa vào các ngành công nghiệp nặng phát thải cao, có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; hoạt động sản xuất tại một số khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng còn mang đậm tính chất “tăng trưởng nâu”, chưa quyết tâm chuyển sang theo hướng xanh, sinh thái…
Bởi vậy, để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi xanh, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị các địa phương thực thi tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, thực thi pháp luật nghiêm túc, giám sát chặt chẽ từ khâu đầu tư, xây dựng đến vận hành, song cần tránh tạo gánh nặng không cần thiết với doanh nghiệp. Dẫn dắt và khuyến khích các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, đầu tư theo hướng thân thiện với môi trường qua các chương trình phù hợp…
TS. Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cho rằng, để thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững là một nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên liên quan và nhiều cấp, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng, trong đó vai trò của chính quyền địa phương là thiết yếu. Bởi vậy, các địa phương trong khu vực cần ban hành các chính sách, kế hoạch hành động tương ứng; chính sách và kế hoạch thu hút đầu tư; thúc đẩy sáng kiến/sáng tạo liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và công nghệ các bon thấp…
Tương tự, TS. Hoàng Hồng Hiệp, quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, cần loại bỏ tư duy tăng trưởng bằng mọi giá” thu hút đầu tư bằng mọi giá; đưa tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh vào mọi hoạt động kinh tế, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Đồng thời, cần xây dựng bộ tiêu chí đo lường phát triển xanh cho một số ngành, lĩnh vực trọng điểm của địa phương, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích chuyển đổi các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng xanh, sinh thái…