Miền Trung thu hút đầu tư công nghệ thông tin từ Hàn Quốc
Diễn đàn được tổ chức nhằm thông tin tới các doanh nghiệp ICT (công nghệ thông tin - truyền thông) Hàn Quốc những thông tin về môi trường đầu tư ICT khu vực miền Trung; chia sẻ triển vọng dầu tư của các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc tại khu vực...
Theo ông Kang Boo Sung, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng, diễn đàn mở rộng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc - Việt Nam nhằm tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp ICT Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung, cũng như giúp tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp ICT của hai nước. Ông Kang Boo Sung cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp ICT Hàn Quốc đầu tư vào khu vực miền Trung và mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp ICT của hai nước sẽ tiếp tục tích cực hơn trong thời gian tới.
Những năm gần đây, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương vượt 76,1 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc. Trong lĩnh vực đầu tư, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư lũy kế 85,9 tỷ USD. Ngoài ra, khoảng 3,6 triệu người Hàn Quốc đến thăm Việt Nam vào năm ngoái, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia có lượng người đến du lịch Việt Nam nhiều nhất.
Diễn đàn mở rộng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc - Việt Nam khu vực miền Trung. |
Lãnh đạo hai nước cũng đã nhất trí mở rộng và tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, bao gồm khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, nông nghiệp và năng lượng... Những thỏa thuận này đang được triển khai một cách trung thực thông qua việc thành lập Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) cũng như việc thúc đẩy các dự án hợp tác công nghệ thông tin trong lĩnh vực chuyển đổi số Hàn Quốc - Việt Nam...
Trong bối cảnh thuận lợi chung đó, những năm gần đây khu vực miền Trung đang là nơi mà các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc đang hoạt động rất tích cực. Theo ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư miền Trung (Bộ Kế hoạch và đầu tư), hiện tại các tỉnh, thành trong khu vực như Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế hay Bình Định… đều có các trung tâm công nghệ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, Hàn Quốc và Singapore đang là 2 quốc gia đứng đầu về đầu tư trong lĩnh vực ICT ở khu vực. Để thu hút các doanh nghiệp ICT đầu tư, các địa phương trong khu vực đã có nhiều chính sách đãi ngộ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…
Tại miền Trung, hiện nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đã lựa chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân. Địa phương cũng là nơi có các trường đại học đào tạo bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin hàng đầu ở khu vực, trong đó có thể kể đến Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU).
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng chia sẻ, doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin của thành phố trong năm 2023 là 36.571 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 147,8 triệu USD, tăng 12% so với năm 2022; kinh tế số đóng góp 20% cơ cấu GRDP toàn thành phố. Đà Nẵng hiện có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ 2 sau TP. Hồ Chí Minh, gấp 3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc).
Đà Nẵng đã và đang nỗ lực thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc. |
Cũng theo ông Thanh, từ cuối năm 2023, Đà Nẵng cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo; triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối các tập đoàn, cơ sở đào tạo, đối tác trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố.
Hiện, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đang xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo, trong đó chú trọng công đoạn thiết kế chip và lắp ráp, kiểm thử, đóng gói; mục tiêu đến năm 2030 có tối thiểu 5000 nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn với 1.500 nhân lực thiết kế vi mạch và 3.500 nhân lực về đóng gói, kiểm thử; góp phần đưa Đà Nẵng tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Địa phương cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm để các doanh nghiệp ICT triển khai dự án tại thành phố. Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistic hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư về ICT, vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, thành phố cũng có 37 cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến ngành công nghệ thông tin... Bởi vậy, diễn đàn mở rộng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc - Việt Nam khu vực miền Trung, ông Nguyễn Quang Thanh mong muốn các doanh nghiệp ICT Hàn quốc với thế mạnh của mình tiếp tục nỗ lực đầu tư vào địa phương, phát huy hiệu quả tiềm năng vốn có của cả hai phía.