Miền Trung ứng phó siêu bão Noru
Dự báo của cơ quan chức năng, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến 4 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... với mức độ rủi ro thiên tai đến cấp 4 (là cấp rủi ro thiên tai chỉ đứng sau cấp 5 – thảm họa trong thang 5 cấp). Trước diễn biến nhanh của bão, các tỉnh miền Trung, khu vực dự kiến bão đi qua, đang khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống.
Các địa phương đang tập trung kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn |
Tại TP.Đà Nẵng, UBND thành phố đã phát công điện khẩn đề nghị các sở, ngành, quận huyện tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng ứng phó với siêu bão Noru. Các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố cũng đã triển khai thực hiện phương án phòng chống thiên tai ứng với các kịch bản, tình huống thiên tai. Thành phố đã chủ động thông tin, tuyên truyền về diễn biến của bão và công tác ứng phó bão đến người dân, du khách. Các đơn vị, địa phương đã kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ và hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu thuyền ở âu thuyền...
Ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão tại những khu vực xung yếu, nguy cơ cao. Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân trong thiên tai, nhất là tại các khu vực trũng, thấp, vùng ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét...
Tại Quảng Nam, địa phương này cũng đã yêu cầu đình hoãn các cuộc họp không cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão lũ. Các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9h ngày 27/9, đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch...
Đặc biệt, rà soát, kiểm tra việc triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy hải sản. Hướng dẫn tàu thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn. Hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 12 giờ ngày 27/9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát lực lượng, kế hoạch hiệp đồng, chủ động đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5, các lực lượng của Trung ương đứng chân trên địa bàn tăng cường lực lượng về các địa bàn xung yếu trước khi bão đổ bộ.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, đảo cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại, từ 12h ngày 26/9 cho đến khi có thông báo mới. Các địa phương hoàn thành việc di dời, sơ tán dân trước 10h ngày 27/9, riêng huyện Lý Sơn hoàn thành trước 8h sáng cùng ngày. Hiện đã có hàng trăm tàu cá hối hả chạy về các cảng biển Tịnh Kỳ, Sa Kỳ, Tịnh Hòa ở TP Quảng Ngãi để tránh trú bão. Nhiều chủ tàu dự định ra khơi 20-30 ngày, nhưng chỉ mới ra khơi một tuần đã phải quay về.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo đến tối ngày 27/9 sẽ phải hoàn thành di dời, sơ tán gần 85.000 dân tại các huyện, thị ven biển đến nơi trú ẩn an toàn. Riêng vùng núi, vùng trũng thấp, tỉnh yêu cầu lãnh đạo địa phương lưu ý sơ tán khẩn cấp, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân. Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi đã phát đi thông báo cho gần 280.000 học sinh nghỉ học từ ngày 27/9.