Miền Trung xóa tàu cá “3 không”
Quyết tâm xử lý dứt điểm
Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết đối với các tỉnh, thành có ngành thủy sản phát triển, mà còn là mục tiêu quan trọng nhằm bảo vệ nguồn lợi biển và hướng tới phát triển bền vững ngành thủy sản trong nước.
Tại Đà Nẵng, chính quyền các địa phương ven biển như quận Sơn Trà, đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn và xử lý triệt để các tàu cá “3 không” nhằm giảm thiểu nguy cơ vi phạm IUU. Kể từ tháng 7/2024, quận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức lồng ghép các buổi phát tài liệu cho ngư dân về những quy định liên quan đến IUU, đồng thời vận động họ thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá để đáp ứng đầy đủ yêu cầu pháp lý. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc cấp đăng ký cho các tàu cá “3 không”, quận vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo thống kê, trong đợt 1 có 166 tàu cá “3 không”, địa phương đã cấp đăng ký và giấy phép khai thác thủy sản cho 107 tàu, 59 tàu còn lại không đủ điều kiện cấp phép. Trong đợt 2, có 259 tàu cá, trong đó 258 tàu đã được cấp giấy phép, còn lại một tàu đã bán khỏi địa phương.
Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, quận đã phối hợp với Chi cục Thủy sản để hỗ trợ ngư dân giải quyết các vướng mắc trong thủ tục đăng ký, đồng thời vận động họ thực hiện đúng quy định về giấy phép thủy sản. Đối với những tàu “3 không” không còn biện pháp giải quyết nào khác, quận sẽ tham khảo ý kiến của các đơn vị, địa phương liên quan để đưa ra biện pháp xử lý triệt để, không để tồn tại các tàu này… Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương khác của Đà Nẵng cũng đang tập trung rà soát, giám sát các tàu cá “3 không”, đặc biệt là các tàu có chiều dài dưới 6m và từ 6-12m, nhằm đảm bảo ngư dân hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo quy định.
Tại Quảng Nam, một tỉnh có số lượng tàu cá lớn với hơn 2.800 chiếc, trong đó có 1.793 tàu dài từ 6-12m hoạt động ở vùng bờ, 419 tàu dài từ 12-15m hoạt động vùng lộng và 618 tàu dài từ 15m trở lên hoạt động ở vùng khơi, địa phương này cũng đang đẩy mạnh công tác xử lý tàu cá “3 không”. Theo đại diện UBND huyện Núi Thành, để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng đã trực tiếp xuống cơ sở, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan để triển khai và hướng dẫn ngư dân làm thủ tục đăng ký, cấp phép tàu cá “3 không”. Dự kiến trong tháng 11 này, toàn bộ hơn 30 tàu cá “3 không” của địa phương sẽ được đăng ký, cấp giấy phép khai thác và đăng kiểm.
Các địa phương ở miền Trung đang nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản |
Ngăn chặn tàu cá “3 không” từ gốc rễ
Để đảm bảo không còn phát sinh tàu cá “3 không,” UBND Đà Nẵng đã cập nhật đầy đủ thông tin 1.188 tàu cá của thành phố vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát tàu cá, đặc biệt là các tàu không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản. Định kỳ hàng tháng, Sở lập danh sách các tàu cá không đủ điều kiện và gửi đến các đơn vị, địa phương để theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình hoạt động khi chưa có đầy đủ giấy tờ theo quy định.
Tại Quảng Nam, UBND tỉnh cũng đang triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác chống khai thác IUU. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu trong tháng 11/2024, UBND các huyện, thành phố ven biển phải hoàn thành việc đăng ký cho tất cả tàu cá có chiều dài từ 6-12m và không để phát sinh tàu cá “3 không” mới. Nếu địa phương nào để xảy ra vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Chi cục Thủy sản Quảng Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng để kiểm soát nghiêm ngặt các tàu cá ra vào cảng, đảm bảo ngăn chặn tàu cá không đủ giấy phép và không đủ điều kiện khai thác.
Với những nỗ lực quyết liệt và đồng bộ từ các địa phương, hy vọng các quy định IUU sẽ sớm được đáp ứng đầy đủ, tạo tiền đề quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao uy tín trên thị trường toàn cầu. Đây không chỉ là mục tiêu cấp thiết để gỡ bỏ “thẻ vàng” từ EC, mà còn là định hướng bền vững cho tương lai của ngành thủy sản Việt Nam, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển cho các thế hệ sau.