Mô hình nào cho ngân hàng số Việt?
Nương vào ngân hàng truyền thống
Cake by VPBank - một ngân hàng số, không chi nhánh, không phòng giao dịch, là kết quả của sự hợp tác giữa Be Group – đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be và VPBank. Cake đang cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, cho phép khách hàng thực hiện mọi giao dịch như mở tài khoản ngân hàng, gửi và nhận tiền trực tuyến… không cần đến phòng giao dịch. Theo đó, người dùng mở tài khoản qua điện thoại di động bằng số điện thoại đã chuẩn hóa thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, hệ thống định danh khách hàng điện tử sẽ giúp khách hàng giải quyết các hợp đồng bằng chữ ký số.
Ra đời tháng 1/2021, tính đến tháng 3/2023, ngân hàng số này có gần 3 triệu khách hàng, giá trị giao dịch đạt khoảng 62.000 tỷ đồng, riêng kênh tiền gửi tiết kiệm đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Kết quả là chưa tính đến những giá trị gia tăng cho hệ sinh thái gọi xe Be của tập đoàn mẹ. Cake hiện đang mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng ra ngoài hệ sinh thái của Tập đoàn Be và nhận được vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia khuyến nghị xây dựng pháp lý cho ngân hàng số để các thực thể tham gia thị trường đảm bảo công bằng |
Một trường hợp khác, ngân hàng số Timo là sản phẩm của Tập đoàn Vinacapital, hiện đang hợp tác với Ngân hàng TMCP Bản Việt để hoạt động với tên gọi mới Timo Plus. Các sản phẩm chủ đạo của Timo Plus là thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, chuyển tiền bằng địa chỉ thư điện tử (email), tiết kiệm trực tuyến, đầu tư tích lũy thông qua chứng chỉ quỹ... Hay TNEX là một ngân hàng số với pháp nhân độc lập cũng đang hoạt động thông qua sự bảo lãnh của đối tác MSB, chủ yếu thực hiện các giao dịch thanh toán và một số hoạt động cho vay tiêu dùng.
Trên thực tế, dù đang là đối tác của các ngân hàng số, song bản thân VPBank, Bản Việt, MSB… cũng vận hành các ngân hàng số của riêng mình như VPBank NEO, Ngân hàng Bản Việt có Digimi...
Vậy là hiện nay, các NHTM hoạt động theo mô hình truyền thống, kết hợp chuyển đổi số cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng công nghệ như Interent Banking, Mobile Banking, Live Bank...
Cần hành lang pháp lý
Ông Hoàng Công Gia Khánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, ngân hàng số liên quan đến các hoạt động cung ứng, phân phối và bán các sản phẩm và dịch vụ tài chính thông qua các kênh kỹ thuật số.
Ta hãy xem câu chuyện của Grab. Từ một ứng dụng gọi xe hợp đồng, công ty này đã vươn ra trở thành một trung gian cung cấp đa dịch vụ và trong chuỗi kinh doanh đó, họ cần một ngân hàng số đáp ứng các nhu cầu thanh toán cho người mua và người bán. Trong bối cảnh đó, Singapore là quốc gia đầu tiên trong khu vực đã cấp giấy phép hoạt động cho ngân hàng số GXS Bank của hai tập đoàn Grab và Singtel với mục tiêu trước mắt là phục vụ cho các thành viên trong hệ sinh thái của hai tập đoàn này, tiếp theo sẽ mở rộng cho vay khách hàng dưới chuẩn của ngân hàng truyền thống.
Ở Việt Nam, Chính phủ cũng giao NHNN nghiên cứu xây dựng đề án cơ chế quản lý thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có một khung pháp lý thật sự rõ ràng, đầy đủ và toàn diện dành cho công nghệ tài chính ngoài các quy định riêng lẻ hoặc phản ứng chính sách cho một vài mảng như ví điện tử, thanh toán, tiền trên thuê bao di động.
Mặc dù công nghệ tài chính đang thu hút được sự quan tâm rất lớn ở Việt Nam, nhưng chủ yếu chỉ đang tập trung ở 3 dịch vụ chủ yếu như: thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng. Trong đó, hoạt động cho vay ngang hàng xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2014 với nền tảng HuyDong chuyên cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp; đến năm 2015 nền tảng Tima ra đời và được coi là hệ thống cho vay ngang hàng đầu tiên của Việt Nam. Sau đó, các công ty cho vay ngang hàng nở rộ trên thị trường.
Công ty cho vay ngang hàng không thuộc hệ thống các TCTD, nên không bị điều chỉnh bởi Luật Các TCTD. Tuy nhiên hoạt động cho vay của họ lại mang bản chất của một khoản cấp tín dụng. Vì vậy khi xảy ra tranh chấp, không thể tham chiếu Luật Các TCTD, điều này cũng dẫn đến rủi ro pháp lý cho các khách hàng vay vốn của công ty ngang hàng. Một số công ty cho vay ngang hàng đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính và tự giới thiệu; công ty cho vay ngang hàng cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hoạt động cho vay ngang hàng. Khi xác lập hợp đồng cấp tín dụng các công ty cho vay ngang hàng, sử dụng bên thứ ba tác nghiệp gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động này.
Từ những thách thức đó, rõ ràng việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, trước mắt là khung pháp lý thử nghiệm nhằm phát triển công nghệ tài chính là nhu cầu cấp thiết. Ông Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, kinh nghiệm ở các quốc gia khi xây dựng khung pháp lý mới đòi hỏi phải cân bằng giữa hai mục tiêu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ khách hàng. Lý tưởng nhất là tạo ra một môi trường cởi mở, có độ chắc chắn cao - Việt Nam đương nhiên cũng cần phải đi theo xu thế này.
Theo ông Khánh, mục tiêu tổng quát xây dựng khung pháp lý cho công nghệ tài chính phải đảm bảo phục vụ cho mục tiêu cốt lõi của phát triển thị trường tài chính trong nền kinh tế số là tài chính toàn diện, ổn định tài chính, liêm chính tài chính và bảo vệ người tiêu dùng. Vì vậy, cần tuân thủ theo 10 nguyên tắc cơ bản: (1) Hỗ trợ chuyển đổi công nghệ tài chính, (2) đảm bảo khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong các dịch vụ tài chính, (3) loại bỏ các quy định trùng lặp giữa các văn bản pháp luật, (4) thiết lập các quy định cho công nghệ tài chính ở cấp quốc gia, (5) xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp dịch vụ tài chính bảo vệ người tiêu dùng, (6) thiết lập các quy tắc trung lập của công nghệ, (7) khuyến khích một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp hiện hữu và mới tham gia, (8) thúc đẩy an ninh mạng dành cho các công nghệ tài chính, (9) hỗ trợ phát triển các tiêu chuẩn và khả năng tương tác dữ liệu tài chính, (10) thống nhất với thông lệ quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.