"Mở lối" cho vay tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen
Toàn cảnh Hội thảo |
Đã và đang phục vụ đời sống
Với vai trò là đơn vị truyền thông, ông Đinh Trần Việt, Giám đốc VTV Digital, cho biết trong thời gian gần đây, đường dây nóng của VTVMoney liên tục nhận được thông tin phản ánh về những thủ đoạn mới của tín dụng đen và những biến tướng mới trong hoạt động cho vay tiêu dùng. Tình trạng bùng nợ, dạy nhau bùng nợ diễn ra tràn lan trên các mạng xã hội.
Để giải quyết vấn nạn này, lực lượng chức năng đã tích cực nắm thông tin, điều tra và xử lý các đối tượng liên quan đến tín dụng đen. Đại diện Bộ Công an cho biết trong 3 năm qua, đã có 2.740 vụ với gần 5.000 đối tượng liên quan đến tín dụng đen bị phát hiện, 3.399 bị can đã bị khởi tố điều tra. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý hơn 700 vụ, khởi tố trên 400 vụ và 800 bị can.
Nhằm góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho khách hàng và người dân tiếp cận vốn tín dụng đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép, tài chính vi mô, các quỹ tín dụng… cải cách thủ tục hành chính, mở rộng màng lưới đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa và các sản phẩm dịch vụ tài chính số để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân… nhằm hạn chế tín dụng đen và phổ cập tài chính toàn diện quốc gia.
Chính vì vậy mặc dù tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn cùng với diễn biến khó lường kinh tế toàn cầu song đến 31/8/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với 31/12/2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945,36 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống).
Tạo điều kiện để vững tâm hoạt động
Dẫu tài chính tiêu dùng được cho là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, góp phần hữu hiệu ngăn chặn tình trạng tín dụng đen nhưng “hầu như các công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền”, TS. Nguyễn Quốc Hùng thông tin.
Hiện nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dự nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ). Người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng… Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng.
Chia sẻ một số khó khăn tại Hội thảo, ông Lê Quốc Ninh,Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsel (Mcredit) cho biết, thời gian qua, các công ty tài chính ghi nhận “cú sốc” từ khó khăn. Trong nửa đầu năm 2023, dư nợ cho vay đã giảm đáng kể với mức giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022 và 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022, ông Lê Quốc Ninh thông tin.
Thực trạng này đến từ việc người lao động có cầu tiêu dùng giảm do suy giảm thu nhập; các công ty tài chính bị đánh đồng với các tổ chức tín dụng đen; khách hàng cố tình bùng nợ; Hoạt động gian lận ngày càng tinh vi và gia tăng như sử dụng công nghệ cao để lập ra ứng dụng, trang web, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền trực tuyến, giả mạo nhân viên công ty tài chính tiêu dùng để tiếp cận người vay và cho vay với lãi suất cao,
Để các công ty tài chính tiêu dùng vững tâm hoạt động, tiếp tục cho vay, mở rộng mạng lưới và quy mô hoạt động đến khu vực nông thôn vùng sâu vùng xa, nhằm góp phần hạn chế “tín dụng đen” và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, việc nghiên cứu để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các công ty tài chính là hết sức cần thiết, TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Đặc biệt, trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhấn mạnh tới việc phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen". Trong đó, nhấn mạnh tới những nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành để ngăn chặn hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Đồng thời, mở rộng các kênh cho vay chính thức, hợp pháp, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Ninh kiến nghị cần đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng; tăng cường hoạt động truyền thông về tín dụng tiêu dùng chính thống; cơ quan chính quyền địa phối hợp răn đe các đối tượng khách hàng không trả nợ; nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý hợp đồng xử lý nợ chuyên nghiệp; áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính; xây dựng cơ sở dữ liệu blacklist tại các tổ chức tín dụng…