Mở rộng hợp tác cho vay tiêu dùng
Bắt tay hỗ trợ khách hàng
Giữa tháng 12/2021, Shinhan Finance và Công ty Gojek Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác phát triển dòng sản phẩm cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi phục vụ giới tài xế xe công nghệ. Sản phẩm vay này được Shinhan Finance thiết kế với hạn mức tối đa 100 triệu đồng/người, hạn mức vay gấp 6 lần thu nhập trung bình của tài xế Gojek hàng tháng. Khách hàng có thể tùy chọn thời gian trả nợ từ 12-48 tháng với mức lãi suất khoảng 3%/tháng. Theo Shinhan Finance, hai đơn vị đã bắt đầu triển khai cho vay đối với hàng trăm tài xế của Gojek và nhận được phản hồi tích cực từ hầu hết tài xế.
Hợp tác giữa Gojek và Shinhan Finance không phải là trường hợp cá biệt. Trong các tháng quý 4/2021, lần lượt các NHTM và công ty tài chính như: VPBank, SeABank, MSB, VietCredit, HDSaison, Mirae Asset Finance, FCCOM... đều cũng đã mở ra các hợp tác chiến lược với các tập đoàn hoặc các sàn thương mại điện tử lớn để phát triển các sản phẩm tài chính tiêu dùng phục vụ hệ sinh thái khách hàng của nhau.
Ảnh minh họa |
Đơn cử tháng 12 vừa qua, VPBank đã hợp tác với Hưng Vượng Group để phát triển sản phẩm cho vay mua nhà. Theo đó, phía ngân hàng cam kết sẽ cho khách hàng của Hưng Vượng vay đến 80% giá trị tài sản đảm bảo, hạn mức tối đa 20 tỷ đồng, không phải trả nợ gốc trong hai năm đầu và được ân hạn trong hai năm khi tất toán.
Cũng trong tháng cuối năm, SeABank đã hợp tác với CTCP Tiến Phước để phát triển dòng sản phẩm tương tự. Phía SeABank ngoài việc đầu tư mạnh vào trái phiếu của Tiến Phước còn là đơn vị tài trợ vốn vay cho khách hàng mua nhà tại nhiều dự án do doanh nghiệp đầu tư tại TP. Thủ Đức, quận 12 và Bình Chánh (TP.HCM).
Ở phía các công ty tài chính, theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt các hợp tác phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng cũng đã được ký kết. Theo đó, gần đây nhất VietCredit đã hợp tác với Grab, Baemin và ShopeeFood để phát triển dòng thẻ tín dụng nội địa dành cho tài xế của các hãng công nghệ vận tải này. Trước đó, đơn vị cũng đã hợp tác với Kredivo (một fintech của Indonesia) để phát triển dòng sản phẩm mua trước trả sau trên nền tảng trực tuyến.
Phía HDSaison ngoài việc hợp tác với Samsung, Nguyễn Kim cũng đã hợp tác với VinFast để phát triển một loạt các dòng sản phẩm “tín dụng tiêu dùng xanh” phục vụ khách hàng mua sắm các sản phẩm ô tô, điện máy thân thiện với môi trường. Trong khi đó, các công ty khác như: Easy Credit, Mirae Asset Finance, FCCOM cũng đã lần lượt hợp tác với Vietnam Post, FPT Shop và TNS Holdings để phát triển những sản phẩm dịch vụ tài chính tiêu dùng, phục vụ khách hàng và cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp đối tác.
Vay tiêu dùng ngày càng tiện lợi
Cùng với việc mở rộng hợp tác giữa các TCTD với các doanh nghiệp và sàn thương mại điện tử, hiện nay với sự hỗ trợ tối đa của công nghệ số hóa, hoạt động giải ngân vốn vay tiêu dùng, hồ sơ vay vốn đều đang được tối giản và rút ngắn thời gian rất nhiều so với các giai đoạn trước.
Chẳng hạn với sản phẩm 5DE FiPO của Easy Credit, các khách hàng khi sử dụng dịch vụ giao nhận bưu phẩm của Vietnam Post có nhu cầu vay sẽ được tạo khoản vay thông qua ứng dụng trực tuyến; quy trình tiếp nhận hồ sơ và thẩm định khoản vay cũng được số hóa 100% và trả kết quả duyệt vay chỉ sau hai giờ làm việc. Hay với các sản phẩm của Mirae Asset Finance áp dụng tại FPT Shop, HDSaison áp dụng tại Samsung, Nguyễn Kim… quy trình nhận hồ sơ khoản vay và giải ngân đều được thực hiện trực tuyến. Khách hàng thông thường chỉ phải xác nhận thông tin, ký hợp đồng điện tử là có thể mua trả góp hàng hóa và nhận khoản vay ngay vài giờ hoặc chậm nhất 1-2 ngày.
Ngoài những sản phẩm cho vay tiêu dùng của các NHTM và công ty tài chính, ghi nhận trên thị trường cho thấy, nhóm các công ty Fintech hiện cũng đã tham gia khá mạnh vào thị trường cho vay tiêu dùng. Ứng dụng cho vay ngang hàng Interloan tại TP.HCM hiện đang kết nối cho vay ứng lương đối với người lao động thời vụ khá hiệu quả tại hàng trăm doanh nghiệp; chuỗi cửa hàng tài chính tiện lợi VietMoney cũng đã hợp tác với Viettelpost cung ứng các dịch vụ thanh toán khoản vay tại cửa hàng Viettel. Nhiều ví điện tử như: Momo, VNPay, Moca hiện đều đã liên kết với các NHTM và các công ty tài chính để làm trung gian thanh toán, giải ngân, thu nợ các khoản vay tiêu dùng và được khá nhiều người dân chọn lựa.
Có thể nói rằng, trong thời điểm hiện tại với sự hậu thuẫn khá mạnh của các nền tảng công nghệ số và sự phát triển nhanh của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, việc các TCTD mở rộng hợp tác trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng và gia tăng các sản phẩm vay tín chấp cho doanh nghiệp, người dân tạo ra sự đa dạng và cạnh tranh rất tích cực trên thị trường tài chính vi mô. Người lao động, người tiêu dùng (nhất là tại các thành phố lớn) trong khoảng hai năm trở lại đây đã có khá nhiều lựa chọn trong việc tiếp cận các nguồn vay tín dụng chính thức. Việc này góp phần đáng kể đối với “cuộc chiến” chống tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen vốn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước.